Trước đây, lão hóa là nguyên nhân chính gây nên bệnh khô mắt thì nay đối tượng của bệnh khô mắt đang dần bị trẻ hóa. Trong bối cảnh của thời đại kỹ thuật số, điện thoại, máy tính và các thiết bị điện tử khác trở thành vật bất ly thân. Thêm vào đó, môi trường làm việc văn phòng buộc thế hệ trẻ thường xuyên phải tiếp xúc với điều hòa, mắt liên tục chịu áp lực, lại không được nghỉ ngơi đầy đủ. Đây là những nguyên nhân khiến người trẻ trở thành đối tượng có nguy cơ bị khô mắt cao. Vậy khô mắt là gì, đâu là nguyên nhân, có biểu hiện gì, cách chẩn đoán và điều trị khô mắt nhanh và hiệu quả ra sao? Hãy cùng Hitec tìm hiểu qua bài viết này nhé.
1. CẤU TẠO NƯỚC MẮT
Trước khi hiểu về khô mắt, chúng ta tìm hiểu về nước mắt (phim nước mắt) được cấu tạo bởi 3 lớp: lớp mỡ, lớp nước và lớp nhầy. Lớp mỡ giúp hạn chế sự bốc hơi nước mắt. Lớp nước vai trò quan trọng cho nhãn cầu gồm cung cấp oxy cho biểu mô giác mạc, có tính sát trùng nhẹ, giúp rửa trôi bụi bẩn cho giác mạc trơn nhẵn. Lớp nhầy giúp dàn đều nước mắt trên giác mạc. Ba lớp này cùng “hợp lực” bảo vệ nhãn cầu khỏi những tác động xấu bên ngoài.
Vai trò của nước mắt:
– Lớp lipid (lớp mỡ) ngoài cùng
+ Chống bốc hơi lớp nước
+ Tăng sức căng bề mặt
+ Giúp ổn định màng nước mắt
+ Làm trơn mi mắt khi quét qua bề mặt nhãn cầu
+ Chuyển biểu mô thành một bề mặt ưa nước để nó có thể được làm ướt bởi thành
phần nước của lớp nước mắt
– Lớp nước
+ Cung cấp oxy cho biểu mô giác mạc không có mạch máu
+ Có chức năng kháng khuẩn
+ Lấp những chỗ không đều trên bề mặt giác mạc
+ Cuốn đi các chất lắng đọng
– Lớp nhầy
+ Cho phép lớp nước dễ trải đều trên bề mặt nhãn cầu
+ Tạo ra một bề mặt quang học nhẵn và giữ ướt
+ Cho phép nước mắt bám vào bề mặt nhãn cầu
1.2 Khô mắt là gì?
Khô mắt (DES – Dry Eye Syndrome) là tình trạng nước mắt bị mất cân bằng, khả năng bảo vệ mắt bị suy giảm, dẫn đến tình trạng nước mắt bay hơi nhanh, từ đó không còn đủ để bôi trơn, bảo vệ bề mặt nhãn cầu và nuôi dưỡng giác mạc, gây ra tình trạng khô mắt.
2. NGUYÊN NHÂN GÂY RA TÌNH TRẠNG KHÔ MẮT
2.1. Nguyên nhân nguyên phát
– Giảm sản xuất nước mắt: Giảm sản xuất nước mắt là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khô ở mắt. Nước mắt sản xuất không đủ “nuôi mắt” do tuyến lệ bị teo, xơ hóa, tắc nghẽn hoặc bị cắt bỏ khi phẫu thuật khối u…
– Tăng bốc hơi nước mắt: Nước mắt bốc hơi khiến mắt bị khô dù quá trình chế tiết nước mắt vẫn diễn ra đều đặn. Nguyên nhân này có thể do thiếu chất tiết của tuyến Meibomius, hở mi, ít chớp mắt…
– Mất cân bằng thành phần nước mắt: Khi màng nước mắt mất cân bằng sẽ làm tăng tốc độ bay hơi của nước mắt và khiến mắt bị khô. Ngoài ra, một số bệnh lý như viêm bờ mi, trứng cá đỏ cũng có thể làm xáo trộn ở lớp nhờn và lớp nhầy, ngăn cản lớp nhầy sản xuất nước và khiến mắt dễ bị khô.
– Lão hóa: Đây là là một trong hiện tượng bình thường của quá trình lão hóa tự nhiên, đặc biệt là nữ giới vào thời kỳ mãn kinh.
2.2. Nguyên nhân thứ phát
– Sử dụng máy tính, điện thoại, ipad, tivi: Có nguy cơ gây khô mắt, mỏi mắt và mắc các bệnh lý nguy hiểm về mắt. Nguyên nhân là các dải xanh của quang phổ do ánh sáng xanh phát ra từ các loại thiết bị điện tử mang năng lượng cao và có thể tiến sâu vào võng mạc mắt, có thể gây chết các tế bào thị giác. Gây rối loạn điều tiết mắt, bị khô mắt, hội chứng thị lực màn hình và tăng nguy cơ mù lòa.
– Đeo kính áp tròng: Đeo kính áp tròng thường xuyên hoặc không đúng cách cũng là nguyên nhân gây khô mắt. Kính áp tròng được xem là một dị vật đưa vào mắt, nếu đeo không đúng cách sẽ gây trầy giác mạc, làm tổn thương mắt. Ngoài ra, nếu kính áp tròng không được vệ sinh đúng cách sẽ dễ nhiễm khuẩn, làm tăng nguy cơ mắt bị phản ứng viêm với kính áp tròng với các triệu chứng như mắt bị đỏ, xốn cộm, chảy nước mắt, khô mắt…
– Thiếu vitamin A: Thiếu vitamin A làm khô mắt và tuyến dẫn nước mắt đồng thời làm phát triển chứng quáng gà hay tổn hại nghiêm trọng đến giác mạc. Nếu khô mắt do thiếu Vitamin A không được khắc phục, giác mạc sẽ bị tổn thương, và tăng khả năng bị loét giác mạc.
– Hậu phẫu thuật: Mắt có thể bị khô sau khi tiến hành phẫu thuật mắt bằng công nghệ laser. Tuy nhiên, đây chỉ là tình trạng tạm thời, thường kéo dài khoảng 3 – 6 tháng hoặc lâu hơn tùy vào cơ địa của mỗi người.
– Nguyên nhân khác: Ngoài những nguyên nhân chính kể trên, khô mắt còn bởi một số bệnh lý liên quan đến mắt như viêm tuyến lệ, thiếu Testosterone hoặc do mắt bị ảnh hưởng của tia phóng xạ, chất bảo quản của thuốc tra mắt, các bệnh bề mặt nhãn cầu, dị ứng.
Việc xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh khô mắt sẽ giúp chúng ta biết cách phòng tránh cũng như khắc phục chứng khô mắt hiệu quả.
3.TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG VÀ CHẨN ĐOÁN
3.1. Thăm khám
Chẩn đoán khô mắt cần dựa vào thăm khám mắt một cách toàn diện, cùng với các test xác định số lượng và chất lượng của màng phim nước mắt, bao gồm:
– Khai thác bệnh sử của bệnh nhân về các triệu chứng khó chịu, các bệnh toàn thân, các thuốc sử dụng trước đây, yếu tố môi trường sống và làm việc cũng góp phần gây ra khô mắt.
– Khám bên ngoài nhãn cầu: các bất thường khi mi mắt hoạt động (lật mi hoặc hở mi khi nhắm mắt), tần số chớp mắt.
– Đánh giá tổn thương kết giác mạc: khám dưới sinh hiển vi với đèn khe và độ phóng đại 10-16 lần, sử dụng thuốc nhuộm (thường dùng Fluoressein)
– Đánh giá sự bất thường về số lượng và chất lượng nước mắt: cần làm các test kiểm tra bởi các bác sỹ chuyên khoa mắt, để xác định có khô mắt hay không, rồi đưa ra lời khuyên cũng như phương pháp điều trị.
3.2. Triệu chứng bệnh Khô mắt
-Cảm giác xốn cộm, khô rát, nhức mỏi mắt
-Cảm giác nóng rát hoặc ngứa trong mắt
-Đỏ mắt, cảm giác ngứa mắt
-Mờ mắt vào cuối ngày (thường khó tập trung khi lái xe vào ban đêm)
-Cảm giác có một vật lạ trong mắt
-Nhạy cảm với ánh sáng đặc biệt là ánh sáng xanh.
-Chảy nước mắt
Các triệu chứng này có thể nặng hơn ở vùng khí hậu khô, trong điều kiện gió, nhiệt độ cao, độ ẩm thấp (trời khô hanh) và việc tập trung mắt kéo dài (ví dụ: đọc sách, xem TV… trong ánh sáng tối), ngồi phòng điều hòa, sử dụng máy tính….
3.3. Một số biện pháp phát hiện khô mắt
– Fluoressein (TBUT test): đánh giá thời gian phá vỡ phim nước mắt (ở người bị khô mắt thì thời gian này dưới 10 giây), đánh giá hình thái phá vỡ phim nước mắt, Fluoressein cũng là một loại thuốc nhuộm giúp phân biệt tế bào biểu mô (bề mặt) đã bị tổn thương do thiếu màng phim nước mắt bảo vệ.
– Kiểm tra lượng nước mắt (Schirmer test): đánh giá lượng nước mắt được sản xuất ra, bằng cách đặt dải giấy thẩm nhỏ (giấy chuyên dụng) giữa mi dưới và nhãn cầu, sau 5 phút đánh giá lượng giấy bị thấm ướt (đo bằng mm)
– Đo áp lực thẩm thấu của nước mắt: đây là một thử nghiệm mới được phát triển để hỗ trợ trong việc chẩn đoán khô mắt – DES. Nếu bệnh tự miễn bị nghi ngờ là nguyên nhân của khô mắt – DES, xét nghiệm máu có thể được thực hiện. Những xét nghiệm máu kiểm tra sự hiện diện của kháng thể khác nhau mà có thể liên quan đến khô mắt.
3.4. Chẩn đoán
– Dựa vào triệu chứng lâm sàng
– Các biện pháp chẩn đoán khô mắt
4. ĐIỀU TRỊ BỆNH KHÔ MẮT
4.1. Nguyên tắc chung:
– Bổ sung nước mắt: Nước mắt nhân tạo, chất bôi trơn
– Lưu giữ nước mắt: Nút điểm lệ, kính giữ ẩm, kính tiếp xúc
– Kích thích tạo nước mắt: Thuốc kích thích tạo nước mắt
– Sử dụng dịch sinh học thay thế nước mắt: Huyết thanh tự thân, nước bọt
– Điều trị chống viêm
– Bổ sung các vitamin, axit béo thiết yếu cho mắt
– Cải thiện môi trường: tránh khô nóng, hạn chế để mắt làm việc quá mức
– Có thể phối hợp cả điều trị nội khoa lẫn ngoại khoa.
4.2. Dùng thuốc điều trị khô mắt
Thuốc sử dụng trong điều trị khô mắt tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh và thường được dùng ở dạng thuốc viên, thuốc nhỏ mắt hay thuốc mỡ tra mắt.
– Thuốc nhỏ mắt kháng kích ứng: thành phần là các chất bôi trơn hay nước mắt nhân tạo như Glycerin, Polyvidon, Polyvinyl alcohol… có tác dụng tăng độ ẩm cho mắt, giúp ngăn ngừa tình trạng khô mắt.
– Nhóm thuốc kháng sinh: được sử dụng khi do nhiễm khuẩn
– Nhóm thuốc kháng viêm: sử dụng khi do viêm nhiễm. Có 02 nhóm là thuốc kháng viêm corticosteroid hay và thuốc kháng viêm non-steroid.
– Thuốc nhỏ mắt kết hợp: kết hợp hai hay nhiều nhóm thuốc với nhau như kháng sinh, kháng viêm… giúp tăng hiệu quả điều trị khô mắt.
– Nhóm thuốc vitamin và khoáng chất: như vitamin A, E, C, B2, kẽm, selenium là những chất chống oxy hóa có tác dụng ngăn ngừa khô mắt do lão hóa .
– Nhóm axít béo không bão hòa như Omega 3 có vai trò quan trọng trong cơ thể, là thành phần cấu tạo võng mạc, giúp tăng cường thị lực và ngăn ngừa khô mắt. Omega 3 có nhiều trong cá, sữa, đậu nành, hạt lanh…
* Mục đích dùng thuốc điều trị khô mắt:
+ Làm tăng sự dễ chịu
+ Giảm khô và đỏ mắt
+ Giảm hiện tượng thị lực dao động
+ Làm loãng các chất thải chuyển hóa
+ Rửa trôi các chất ô nhiễm và tác nhân dị ứng
+ Bảo vệ bề mặt nhãn cầu
5. PHÒNG BỆNH KHÔ MẮT
Khô mắt là bệnh mạn tính, vì vậy rất khó có thể chữa khỏi dứt điểm. Cách điều trị tốt nhất là có kiến thức về bệnh để phòng ngừa, thực hành thói quen tốt để duy trì đôi mắt khoẻ mạnh, tránh bệnh tái phát.
- Tập thói quen chớp mắt đều, đặc biệt lưu ý chớp mắt khi làm việc với máy tính.
- Giữ vệ sinh sạch sẽ, massage giúp làm ấm và lưu thông mắt.
- Đeo kính khi đi ra đường để tránh khói bụi, gió, sử dụng kính chống tia UV.
- Tránh gió lạnh (máy lạnh), gió quạt thổi trực tiếp vào mắt.
- Bảo tồn nước mắt bằng cách sử dụng máy tạo độ ẩm không khí khi thời tiết hanh khô, nắng nóng, khi sử dụng máy lạnh.
- Sinh hoạt lành mạnh, không thức khuya, ngủ đủ giấc.
- Không hút thuốc lá, tiếp xúc với khói thuốc lá.
- Ăn uống đủ chất, bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, omega 3 và beta carotene.
- Uống nhiều nước: Nên uống 1,5-2 lít mỗi ngày.
Đặc biệt, với những người làm việc văn phòng nên tập thói quen làm việc trước máy tính:
- Ngồi xa màn hình máy tính tối thiểu một sải tay
- Thường xuyên chớp mắt, nhắm mắt và xoay tròn mắt trong 10 giây để điều tiết chất nhờn.
- Quy tắc 20-20-20: làm việc sau 20 phút hãy nhìn xa 2m trong 20 giây.
- Sử dụng kính chống ánh sáng xanh khi nhìn màn hình điện thoại, máy tính.
- Khám mắt định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời.