Đến nay chưa có bất kỳ loại thuốc nào để điều trị cận thị. Chỉnh quang là biện pháp duy nhất giúp trẻ cận thị có thị lực tốt để học tập, sinh hoạt… Cho đến khi trẻ trưởng thành và độ cận ổn định, tùy tiến triển của cận thị cũng như yêu cầu nghề nghiệp, người cận thị có thể phẫu thuật để bỏ kính…
Bác sĩ Hitec chỉ ra tật cận thị đang gia tăng
ThS.BS Nghiêm Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Bệnh viện chuyên khoa Mắt Hitec Hà Nội (Hitec cơ sở 2), cho biết tật khúc xạ gồm cận thị, viễn thị, loạn thị, trong đó trên 90% là cận thị. Ước tính đến năm 2050, trên thế giới cứ 2 người sẽ có 1 người mắc cận thị và 1/5 trong số đó có nguy cơ mất thị lực do cận thị nặng và những biến chứng của nó gây ra.
Cận thị là một tật của mắt do trục nhãn cầu dài hơn bình thường nên thay vì được hội tụ đúng trên võng mạc ảnh lại bị rơi về phía trước võng mạc. Cùng với sự phát triển của thể chất, trục nhãn cầu của trẻ cũng ngày một dài ra theo tuổi vì vậy cận thị luôn có xu hướng tăng số.
Đánh giá mức độ tiến triển của cận thị dựa vào độ cận tăng theo năm: Tăng nhẹ: dưới 0,50D/năm; Trung bình: từ 0,50D – 1,00D/năm; Nhanh: từ 1, 25D – 2,00D/năm; Rất nhanh: trên 2,00D/năm
Theo bác sĩ, lối sống hiện đại ngày nay khiến tật cận thị đang gia tăng và bùng nổ như áp lực học tập, ngồi học sai tư thế, nhìn gần kéo dài…; Nhà ống và những căn hộ thiếu ánh sáng trời khiến trẻ phải học tập, sinh hoạt với ánh sáng đèn điện và mắt phải liên tục điều tiết; Kỷ nguyên số khiến con người phải làm việc với máy vi tính, điện thoại, sách vở/tài liệu online làm mắt bị khô mỏi do luôn phải căng ra điều tiết;
Theo đó thói quen đọc sách, xem tivi, ipad kéo dài mà không có kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và cho mắt nghỉ ngơi hợp lý; Các thiết bị điện tử, game trong phòng điều hòa khiến trẻ không còn ham thích các trò chơi, hoạt động ngoài trời và giảm thời gian tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên cũng là nguyên nhân gây gia tăng cận thị…
Hitec ứng dụng nhiều tiến bộ trong phẫu thuật cận thị
ThS.BS Nghiêm Thị Hồng Hạnh cũng cho hay, đến nay chưa có bất kỳ một loại thuốc nào để điều trị cận thị. Chỉnh quang là biện pháp duy nhất giúp trẻ cận thị có được thị lực tốt để học tập, sinh hoạt và phát triển. Cho đến khi trẻ trưởng thành và độ cận ổn định, tùy tình hình tiến triển của cận thị, cũng như yêu cầu về nghề nghiệp, người cận thị có thể phẫu thuật để bỏ kính …
Các phẫu thuật cận thị có thể là: Laser, thay thể thủy tinh, hoặc đặt kính nội nhãn – phakic ICL … chỉ được chỉ định khi trẻ đã đủ từ 18 tuổi và có độ cận ổn định trong 06 tháng trước khi quyết định phẫu thuật.
“Tùy thuộc vào tật khúc xạ của mắt, nặng hay nhẹ, có kèm theo loạn thị hay không, cũng như độ dầy của giác mạc người bệnh và những vấn đề sức khỏe khác kèm theo, bác sĩ chuyên khoa mắt sẽ khám, tư vấn và chỉ định phương pháp phẫu thuật phù hợp, hiệu quả và an toàn nhất cho người bệnh” – BS Hạnh nói.
Vị chuyên gia này cũng cho hay, ngoài kỹ thuật Laser cổ điển có tạo vạt, can thiệp vào bề dầy giác mạc, phẫu thuật cận thị ngày nay cũng đã có nhiều tiến bộ với các kỹ thuật Laser bề mặt giác mạc.
Chị M.T.L., sinh năm 1997, quê ở Thái Bình sang học tập và định cư ở Newzealand từ nhiều năm nay. Dù chỉ cận 2,50D, song với đặc thù làm nghề Nail (vẽ móng) cần mắt tinh, nhìn chi tiết, tỉ mỉ thì cặp kính cận và chiếc khẩu trang đã trở thành rào cản quá lớn với chị.
Nhưng thu nhập từ lao động giản đơn ở nước ngoài không cho phép chị L., đủ chi trả cho việc tiếp cận với các dịch vụ y tế cao cấp để đáp ứng được yêu cầu nghề nghiệp của mình. Lần này, về Việt Nam chị L., đã đến Hitec để tháo bỏ cặp kính cận bằng phẫu thuật Streamlight. “Đó là một kỹ thuật laser bề mặt giác mạc an toàn và phù hợp với chị L.,” – BS Hạnh chia sẻ.
Sau phẫu thuật, để tạo điều kiện cho bề mặt giác mạc được biểu mô hóa tốt, chị L., đã được đeo 1 cặp kính áp tròng đặc biệt. Ngày thứ tư sau mổ, đến tháo kính áp tròng và khám lại mắt chị L., đã nhìn được như bình thường và chị chính thức nói lời chia tay với cặp kính cận mà chị đã cố gắng kiên trì chung sống với nó gần 20 năm nay…
Nguồn Báo sức khỏe đời sống