Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị bệnh Thoái hóa hoàng điểm do tuổi

Chúng ta có thể nhìn thấy thế giới xung quanh một cách rõ ràng, sống động là nhờ có võng mạc và phần trung tâm của võng mạc chính là điểm vàng. Thoái hóa hoàng điểm do tuổi hay còn gọi là thoái hóa điểm vàng do tuổi là nguyên nhân gây suy giảm thị lực chưa có cách nào điều trị khỏi mà giúp người bệnh bảo tồn duy trì thị lực còn lại. Cùng chuyên gia nhãn khoa Hitec tìm hiểu dấu hiệu nhận biết và cách điều trị bệnh thoái hóa hoàng điểm do tuổi  dưới đây.

1.Cấu tạo võng mạc trong mắt

Võng mạc cấu tạo gồm 2 lớp chính:

Lớp trong gồm những “tế bào nhìn thấy” gọi là tế bào nón và tế bào que. Những tế bào này phản ứng với ánh sáng và gửi những tín hiệu điện xuống những sợi thần kinh nhỏ tí xíu, những sợi này sau đó tập trung lại thành dây thần kinh thị giác và đi lên não.

Lớp ngoài – lớp tế bào biểu mô sắc tố (Retinal pigment epithelium- RPE) – là lớp tế bào nằm sau tế bào nón và tế bào que. Biểu mô sắc tố võng mạc là lớp màng ngăn cách giữa võng mạc và hắc mạc. Những tế bào này cung cấp dinh dưỡng và hỗ trợ cho tế bào nón và que. Chúng vận chuyển chất dinh dưỡng và oxy từ mạch máu trong hắc mạc đến tế bào nón và que. Chúng cũng mang các chất thải từ tế bào nón và que vào mạch máu trong hắc mạc. Có thể coi màng biểu mô sắc tố võng mạc như một màng lọc, quyết định những chất nào sẽ tới được võng mạc. Rất nhiều thành phần của máu có hại cho võng mạc và sẽ được giữ cho tránh xa khỏi võng mạc bởi màng biểu mô sắc tố võng mạc khỏe mạnh bình thường. Tế bào nón và que chịu trách nhiệm về thị lực trong nhiều điều kiện khác nhau. Tế bào que nhiều hơn tế bào nón rất nhiều, và tế bào que nhỏ hơn tế bào nón.

  • Tế bào nón giúp chúng ta nhìn thấy trong ánh sáng ban ngày, tạo nền tảng cho thị giác màu sắc.
  • Tế bào que giúp chúng ta nhìn trong tối – “thị lực ban đêm”.
  • Hoàng điểm là một vùng tuy nhỏ nhưng quan trọng trong võng mạc. Nó có đường kính khoảng 5 mm. Hoàng điểm là phần võng mạc tập trung tế bào nón và que dày đặc nhất. Hoàng điểm rất quan trọng đối với thị lực trung tâm. Vùng nằm ở giữa hoàng điểm gọi là hố hoàng điểm, tại đây chỉ có các tế bào nón.
  • Hắc mạc là lớp mô nằm sau võng mạc chứa rất nhiều mạch máu tí hon. Chúng giúp mang oxy và chất dinh dưỡng đến võng mạc.
  • Màng Bruch là một màng mỏng giúp tạo thành hàng rào giữa hắc mạc và võng mạc mỏng manh.
  • Củng mạc là màng trắng dày bên ngoài của mắt.

Khi bạn nhìn một vật, ánh sáng từ vật đó đi qua giác mạc, thủy tinh thể rồi đến võng mạc. Ánh sáng từ vật sẽ tập trung tại hoàng điểm. Do đó bạn cần một hoàng điểm mạnh khỏe để có thị lực trung tâm rõ nét.

2. Thoái hóa hoàng điểm liên quan đến tuổi là gì?

Hình 1. Sơ đồ mắt với tổ chức có các tế bào võng mạc, biểu mô sắc tố võng mạc (RPE) và màng Bruch khỏe mạnh & Ảnh hưởng của bệnh thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác (AMD): cho thấy các RPE bị thoái hóa và tách rời với các RPE chết/chết đặc trưng. Màng Bruch bị tổn thương và quan sát thấy sự tăng sinh tân mạch trong đám rối màng đệm.( sự hiện diện của drusen và tân mạch sớm)

Thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác (Age-related Macular Degeneration – AMD) là một bệnh ảnh hưởng đến vùng điểm vàng (trung tâm) của võng mạc xảy ra thường xuyên nhất ở người cao tuổi. Nó chủ yếu được gây ra bởi sự thoái hóa của biểu mô sắc tố võng mạc (RPE). Vùng này của hàng rào máu-mắt vận chuyển chất dinh dưỡng và oxy giữa võng mạc và hắc mạc, đồng thời tạo ra các yếu tố tăng trưởng và các cytokine. Lớp biểu mô sắc tố võng mạc cũng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình thực bào của các tế bào cảm quang đã sử dụng. Nó tạo thành một lớp đơn lớp trên màng Bruch (một ma trận ngoại bào nhiều lớp), dưới đó là các mao mạch màng đệm. Biểu mô sắc tố võng mạc và màng Bruch hoạt động như một rào cản giữa màng đệm và võng mạc

3.Phân loại thoái hóa điểm vàng

3.1.Thoái hóa hoàng điểm thể khô:
– Là dạng hay gặp nhất của thoái hóa hoàng điểm do tuổi già, với tần suất lên tới 90 %.
– Bệnh thoái hóa hoàng điểm thể khô là sự xuất hiện của drusen, là những mảng kết tụ màu vàng nằm dưới võng mạc Drusen không gây mất thị lực, nhưng sự gia tăng kích thước hoặc số lượng drusen có thể là dấu hiệu nhận biết AMD thể khô hoặc thể ướt trở nên nghiêm trọng. AMD thể khô có ba giai đoạn, mỗi giai đoạn có thể xảy ra ở một hoặc cả hai mắt, gồm:
+ Thoái hóa hoàng điểm do tuổi thể khô giai đoạn sớm (early dry AMD) – ở giai đoạn này, người bệnh có một vài drusen kích thước trung bình hoặc nhỏ, chưa xuất hiện dấu hiệu đặc biệt hay giảm thị lực.
+ Thoái hóa hoàng điểm do tuổi thể khô giai đoạn giữa (intermediate dry AMD)-ở giai đoạn này, người bệnh có nhiều drusen kích thước trung bình và một hoặc nhiều drusen lớn, thị lực trung tâm xuất hiện một vết mờ. Người bệnh cũng có thể cần nhiều ánh sáng hơn khi đọc sách hoặc làm các công việc khác.
+ Thoái hóa hoàng điểm do tuổi thể khô giai đoạn nặng (advanced dry AMD)-ngoài drusen, các tế bào nhạy sáng (light-sensitive cells) và các mô liên kết (associated tissue) ở vũng trung tâm của võng mạc bị phá vỡ, khiến thị lực trung tâm bị mờ. Theo thời gian, vết mờ có thể lớn hơn và tối hơn, chiếm nhiều thị lực trung tâm hơn.

Hình 2: Phân loại thoái hóa điểm vàng

3.2 Thoái hóa hoàng điểm do tuổi thể ướt:
+ Tại hoàng điểm có nhiều mạch máu bất thường phát triển làm phá vỡ cấu trúc bình thường của hoàng điểm, gây bong biểu mô sắc tố, xuất huyết võng mạc rồi gây ra một cấu trúc sẹo xơ mạch vùng hoàng điểm gây tổn thị lực nghiêm trọng.

4.Dấu hiệu nhận biết bệnh thoái hóa hoàng điểm

Cả thoái hóa hoàng điểm do tuổi thể ướt và thể khô đều không gây đau nhức. Với thoái hóa hoàng điểm do tuổi thể khô, dấu hiệu sớm nhất là mắt mờ. Do số lượng tế bào hoạt động trong hoàng điểm giảm đi, nên người bệnh sẽ không thể nhìn rõ một số chi tiết như nét mặt hoặc chữ trên trang sách. Thường thì mờ mắt sẽ biến mất khi nguồn sáng nhiều hơn. Nếu có sự hao hụt lớn các tế bào hoàng điểm, người bệnh có thể nhìn thấy một điểm mù nhỏ ở giữa trường nhìn, chấm nhỏ sẽ lớn dần theo thời gian.

Nếu bị mất thị lực do thoái hóa hoàng điểm do tuổi thể khô chỉ ở một mắt, người bệnh sẽ không nhận thấy bất kỳ sự thay đổi thị lực nào. Do mắt còn lại có thể nhìn thấy rõ ràng, bệnh nhân vẫn có thể lái xe, đọc sách và nhìn chi tiết tốt như thường. Người bệnh sẽ không thấy sự thay đổi thị lực cho đến khi thoái hóa hoàng điểm do tuổi phát triển ở cả hai bên mắt. Nếu bạn bắt đầu bị mờ mắt, hãy đến gặp bác sĩ nhãn khoa ngay để được kiểm tra mắt tổng quát.

Hình 3: Dầu hiệu nhận biết thoái hóa hoàng điểm

Với thoái hóa hoàng điểm do tuổi thể ướt, dấu hiệu đầu tiên thường gặp nhất là nhìn đường thẳng nhưng lại thấy cong hoặc lượn sóng. Một điểm mù nhỏ có thể cũng sẽ xuất hiện gây mất thị lực trung tâm. Dấu hiệu đặc trưng như sau:

–        Nhìn mờ, nhìn kém ở cả hai khoảng cách xa và gần, đặc biệt khi ánh sáng yếu.

–        Không đọc được chữ nhỏ trên sách báo, khó xem tivi hoặc lái xe.

–        Thấy trung tâm hình ảnh bị mờ hơn và tối dần đi, chỉ còn là vòng tròn đen.

–        Thấy màu sắc của các vật thể trở lên nhạt nhòa và kém tươi tắn.

–        Thấy đường thẳng trở thành đường cong hoặc gợn sóng.

5.Làm thế nào để phát hiện bệnh thoái hóa hoàng điểm do tuổi?

Thoái hóa hoàng điểm do tuổi có thể phát hiện được thông qua kiểm tra mắt toàn diện. Kiểm tra bao gồm:
– Hỏi bệnh sử: bệnh nhân từ 50 tuổi có nhìn mờ, nhìn méo và có ám điểm
– Kiểm tra thị lực: bài kiểm tra sử dụng bảng đo thị lực để kiểm tra khả năng nhìn của mắt ở các khoảng cách khác nhau.
– Soi đáy mắt kiểm tra võng mạc, hoàng điểm và đầu dây thần kinh thị giác nhằm tìm kiếm các dấu hiệu của AMD cũng như các vấn đề về mắt khác. Như xuất huyết võng mạc, xuất tiết, drusen, sẹo xơ…
– Dùng lưới Amsler (Amsler grid): với kiểm tra này, bác sĩ sẽ yêu cầu
người bệnh nhìn vào một tờ giấy vẽ ô caro như một bàn cờ. Bệnh nhân sẽ che một mắt và nhìn chằm chằm vào một chấm đen ở giữa lưới. Bệnh nhân có thể mắc bệnh AMD nếu nhìn thấy các đường thẳng trong lưới Amsler bị lượn sóng hoặc một số đường bị thiếu.
– Chụp OCT đáy mắt: có hình ảnh tụ dịch dưới võng mạc, biến đổi hay bong biểu mô sắc tố, phù hoàng điểm
– Chụp mạch huỳnh quang: có dò huỳnh quang thì sớm và tăng huỳnh quang thì muộn

6.Điều trị bệnh Thoái hóa hoàng điểm do tuổi

Hiện nay thoái hóa điểm vàng vẫn chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn. Việc điều trị sớm sẽ giúp người bệnh làm chậm lại tiến triển của bệnh và không bị tổn hại thị lực quá nặng. Tùy thuộc vào loại thoái hóa điểm vàng và mức độ bệnh, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp điều trị như sau.

6.1. Đối với thể khô

– Hiện nay chưa có phương pháp điều trị hữu hiệu nào có thể ngăn cản được sự tiến triển của bệnh. Các thuốc chống oxy hoá (vitamin C, vitamin E, kẽm, glutathion, beta- caroten, selenium), các thuốc tăng cường dinh dưỡng, chuyển hoá protein hiện đang được khuyên dùng.

Hình 4: Thực phẩm bổ sung cần thiết cho người bệnh thoái hóa điểm vàng

– Các phương pháp hỗ trợ thị lực khác:

+ Dùng kính phóng đại, khính trợ giúp thị lực…

+ Chiếu sáng đặc biệt, thay đổi hoàn cảnh sống của bệnh nhân

6.2. Đối với thể ướt

–  Thuốc tiêm chống tăng sinh tân mạch ( tức là các loại thuốc gây ức chế, tăng sinh, thoái lui màng tân mạch hắc mạc) như aflibercept (Eylea), ranibizumab (Lucentis), pegaptanib (Macugen), bevacizumab (Avastin) có khả năng ngăn chặn sự thành thành mạch máu mới và ngăn chúng nứt vỡ trong võng mạc. Do vậy, khi mắc thoái hóa điểm vàng thể ướt, người bệnh có thể được chỉ định tiêm những thuốc này vào mắt nhiều lần.

–  Liệu pháp chiếu laser: Khi các mạch máu mới nứt vỡ làm giảm tầm nhìn nghiêm trọng, bác sĩ sẽ dùng năng lượng cao của tia laser để phá hủy các mạch máu bất thường này trong mắt.

–  Liệu pháp chiếu laser quang đông: Bác sĩ sẽ dùng năng lượng laser để kích hoạt Visudyne – một loại thuốc nhạy cảm với ánh sáng đã được tiêm vào cơ thể để tiêu diệt những mạch máu bị nứt vỡ trong võng mạc.

– Thiết bị hỗ trợ thị lực kém: Bác sĩ sẽ dùng những thiết bị đặc biệt để tạo ra hình ảnh lớn hơn, từ đó giúp người bệnh thoái hóa điểm vàng có thể tận dụng được tối đa phần thị lực còn lại.

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng thoái hóa điểm vàng nào kể trên, hãy đi khám mắt càng sớm càng tốt, đồng thời gọi điện đến số: 0984 122 153 để được tư vấn về bệnh lý phòng tránh nguy cơ mất thị lực không hồi phục.

————-☘️☘️☘️☘️☘️————-
Để được tư vấn chi tiết và đặt lịch thăm khám, Quý khách xin vui lòng liên hệ:
📞 Hotline: 𝟎𝟗𝟖𝟒 𝟏𝟐𝟐 𝟏𝟓𝟑
𝐇Ệ 𝐓𝐇Ố𝐍𝐆 𝐁Ệ𝐍𝐇 𝐕𝐈Ệ𝐍 𝐌Ắ𝐓 𝐇𝐈𝐓𝐄𝐂 – 𝐇𝐢𝐭𝐞𝐜 𝐄𝐲𝐞 𝐇𝐨𝐬𝐩𝐢𝐭𝐚𝐥
🏥 Cơ sở 1: Bệnh viện mắt kỹ thuật cao Hà Nội: 51-53-55 Trần Nhân Tông, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội
🏥 Cơ sở 2: Bệnh viện chuyên khoa mắt HITEC: 55 Hàm Long, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội
🏥 Cơ sở 3: Phòng khám mắt kỹ thuật cao: 480 Thụy Khuê, Phường Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội
𝘏𝘐𝘛𝘌𝘊 – 𝘛𝘢̣̂𝘯 𝘵𝘢̂𝘮 𝘤𝘩𝘰 đ𝘰̂𝘪 𝘮𝘢̆́𝘵 𝘴𝘢́𝘯𝘨

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0984 122 153