Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh Glôcôm (thiên đầu thống hay cườm nước)

Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới, Glôcôm là nguyên nhân gây mù lòa phổ biến thứ hai thế giới, chỉ sau đục thủy tinh thể. Căn bệnh này đã ảnh hưởng tới gần 80 triệu người từ 40 – 80 tuổi (tính đến 2020). Dự báo số lượng bệnh nhân có thể tăng tới hơn 100 triệu người vào năm 2040. Đáng chú ý, trong tổng số bệnh nhân mắc glôcôm trên toàn thế giới, gần 50% người không biết mình có bệnh. Cùng chuyên gia nhãn khoa Hitec tìm hiểu bệnh lý Glôcôm có mấy loại, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị ra sao được chia sẻ trong bài viết này.

1.Bệnh Glôcôm là gì?

Trong tiếng Hy Lạp, tên gốc của bệnh glôcôm (glaucoma) là glaukos nghĩa là con mắt màu xanh (lúc đó chưa phân biệt được giữa bệnh glôcôm và đục thủy tinh thể). Tên dân gian của bệnh là thiên đầu thống (miền bắc) hoặc cườm nước (miền nam).

Về bản chất, glôcôm là một dạng bệnh lý của thần kinh thị giác có hoặc không liên quan với tăng nhãn áp. Do vậy, nhiều trường hợp bệnh nhân không đau nhức mắt do tăng nhãn áp những vẫn có bệnh glôcôm. Đây là một phần lý do khiến glôcôm trở thành kẻ cắp thị giác thầm lặng. Bệnh glôcôm nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng có thể ngăn chặn sự tiến triển của bệnh, bệnh nhân có thể tránh khỏi mất thị lực và thị trường nghiêm trọng.

          Các giai đoạn phát triển của bệnh Glôcôm thị trường nhìn ngày càng thu hẹp

2.Những nguyên nhân gây bệnh Glôcôm là gì?

Bệnh glôcôm không có nguyên nhân rõ ràng nhưng có liên quan đến sự tăng áp lực trong mắt và/hoặc giảm lưu lượng máu nuôi dưỡng dây thần kinh thị giác. Tăng áp suất thủy dịch có thể dẫn tới bệnh Glôcôm tuy nhiên không phải ai cũng bị glôcôm khi mắc chứng tăng áp suất thủy dịch.

Một số nguyên nhân khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Glôcôm bao gồm:

  • Do yếu tố di truyền trong gia đình
  • Do tuổi tác cao – nguy cơ bị bệnh glaucoma tăng lên khi trên 50 tuổi.
  • Do có tiền sử các bệnh lý về mắt như: biến chứng tiểu đường, viêm nhiễm về mắt như viêm màng bồ đào,…
  • Do các chấn thương mắt
  • Do tác dụng phụ của việc thường xuyên dùng các thuốc corticosteroids
  • Biến chứng sau phẫu thuật mắt
  • Sắc tộc – Người Đông Nam Á và Người Da Đen ở vùng Caribe dễ mắc các dạng bệnh glaucoma nhiều hơn người thuộc chủng tộc người da trắng.
Glôcôm góc đóng và góc mở là gì

3.Glôcôm có bao nhiêu loại?

Gồm 2 loại nguyên phát và thứ phát.

3.1 Glôcôm nguyên phát (được quan tâm nhiều nhất), bao gồm:

– Glôcôm góc đóng nguyên phát (hay gặp ở Việt Nam).

Glôcôm góc đóng liên quan đến tình trạng đóng của góc tiền phòng, có thể là mạn tính hoặc cấp tính (hiếm gặp). Bệnh xảy ra do góc thoát thuỷ dịch của mắt bị đóng hoàn toàn. Điều này khiến cho mắt bị gia tăng áp suất đột ngột, rất nguy hiểm cho bệnh nhân. Trong hình thái glocom nguyên phát góc đóng, cấu trúc vùng bè là bình thường. Bệnh thường xảy ra do 2 cơ chế chính:

Nghẽn đồng tử: Đối với các mắt có sẵn bất thường về cấu trúc giải phẫu của góc tiền phòng, khi đồng tử giãn ra khiến diện tích tiếp xúc giữa mống mắt và mặt trước của thể thuỷ tinh tăng lên. Điều này khiến cho sự lưu thông thuỷ dịch từ hậu phòng ra tiền phòng bị cản trở. Thuỷ dịch bị ứ lại trong hậu phòng và không thoát được ra tiền phòng sẽ khiến cho áp lực trong hậu phòng tăng dần lên, đẩy chân mống mắt nhô ra trước, áp vào vùng bè gây đóng góc và tăng nhãn áp.

Nghẽn góc tiền phòng: Lúc đầu mống mắt chỉ áp sát vào vùng bè nhưng chưa có dính góc thực thể (làm nghiệm pháp ấn góc, vùng mống mắt bị dính sẽ được tách ra). Nếu không được điều trị hạ nhãn áp và tách dính kịp thời, quá trình đóng góc kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng dính góc thực sự và gây nghẽn góc tiền phòng hoàn toàn tại vị trí dính đó. 

– Glôcôm góc mở nguyên phát.

Glôcôm góc mở nguyên phát là một hội chứng gồm tổn thương đầu thị thần kinh liên quan tới góc tiền phòng mở và nhãn áp tăng hoặc đôi lúc ở mức trung bình. Bệnh xảy ra do bị tắc nghẽn không hoàn toàn ở góc thoát thuỷ dịch của mắt khiến tăng áp suất mắt. Điều này lâu ngày sẽ khiến các dây thần kinh thị giác bị tổn thương. Quá trình này diễn ra từ từ và không gây đau đớn. khiến bệnh nhân khó nhận biết được triệu chứng bệnh. Phân loại glôcôm theo nguyên nhân gây ra như sau:

Glocom giả bong bao: Tình trạng lắng đọng quá nhiều các sợi fibrin và albumin lên nhãn cầu và các cơ quan trên cơ thể. Điều này vô tình gây ứ đọng thủy dịch và làm tăng nhãn áp.

Glocom sắc tố: Hiện tượng áp lực tiền phòng cao hơn hậu phòng dẫn tới chênh lệch áp lực đảo ngược. Điều này khiến mống mắt vùng trung bị đẩy ra sau và cọ vào xích đạo thể thủy tinh, dây Zinn. Nhiều sắc tố mống mắt từ đó được giải phóng. Sau đó lắng đọng tại các khe kẽ vùng bè củng – giác mạc gây ra tắc nghẽn.

– Glocom thể mi: Thể mi tăng tiết thủy dịch để phản ứng với một số dị nguyên. Điều này góp phần gây ra cơ chế tăng nhãn áp.

Do chất thể thủy tinh: Bao bị rạn nứt do thể thủy tinh đục quá chín hoặc chấn thương khiến protein được phóng thích. Chúng đi vào tiền phòng gây viêm hoặc tắc nghẽn ở vùng bè. Đồng thời nhân thủy tinh thể cũng có thể gây tắc nghẽn vùng bè. Đây đều là những nguyên nhân gây ra tăng nhãn áp.

Xuất huyết tiền phòng, xuất huyết nội nhãn: Lúc này, các tế bào hồng cầu đi từ dịch kính ra tiền phòng. Điều này gây tắc nghẽn vùng bè và dẫn đến Glocom góc mở.

Phân loại Glôcôm nguyên phát

3.2 Glôcôm thứ phát:

Xuất hiện sau những rối loạn tại mắt và toàn thân, như Glôcôm do chấn thương, do viêm màng bồ đào, do bệnh lý của thể thuỷ tinh, …

Phân loại Glôcôm thứ phát

4.Triệu chứng của glocôm như thế nào?

Với mỗi thể bệnh, bệnh nhân sẽ có những triệu chứng khác nhau:

4.1 Glôcôm góc đóng cơn cấp:

+ Khởi phát đột ngột

+ Đau nhức mắt, nhức xung quanh hố mắt, nhức lan lên nửa đầu cùng bên

+ Nhìn thấy mờ nhiều, nhìn đèn có quầng xanh đỏ.

+ Sợ ánh sáng, chảy nước mắt nhưng không ghèn

+ Mi mắt sưng nề, mắt đỏ, giác mạc phù, tiền phòng nông, đồng tử dãn méo mất phản xạ với ánh sáng, thể thuỷ tinh phù đục.

+ Sờ tay thấy nhãn cầu căng cứng như hòn bi.

+ Một số trường hợp glôcôm có kèm theo một số triệu chứng toàn thân như buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, vã mồ hôi…

Những dấu hiệu toàn thân có thể khiến người bệnh lầm tưởng là cảm sốt, chủ quan tự chữa trị, khi tới viện thì đã mù hoàn toàn.

4.2 Glôcôm góc đóng bán cấp:

+ Bệnh xuất hiện từng đợt, các triệu chứng giống như Glôcôm góc đóng cơn cấp, nhưng ít dữ dội hơn

+ Những cơn đau nhức mắt, nhức đầu thoáng qua kèm nhìn mờ, qua cơn thị lực trở lại bình thường, nhưng tần suất, mức độ các cơn tăng dần, đồng thời thị lực ngày càng giảm, tổn thương thị trường và đĩa thị

4.3 Glôcôm góc đóng mạn tính: rất ít gặp

+ Bệnh thể hiện thầm lặng.

+ Bệnh nhân không có đau nhức mắt, chỉ có dấu hiệu nhìn mờ dần. Đôi khi bệnh nhân phát hiện được do tình cờ bịt một mắt thấy mắt kia không nhìn thấy gì

+ Đa số bệnh nhân khi đến khám thị lực đã giảm nặng hoặc mất hoàn toàn.

4.4 Glôcôm góc mở:

+ Bệnh âm thầm tiến triển mạn tính.

+ Lần lượt qua từng giai đoạn, người bệnh không nhận thấy sự giảm sút thị lực, do đó thường đến khám ở giai đoạn muộn khi bệnh đã nặng.

+ Đa số bệnh nhân không đau nhức mắt hay đau nhức đầu, một số có cảm giác nặng, căng tức mắt thoáng qua, nhìn mờ như qua màn sương, nhìn vật phát sáng thấy có quầng xanh đỏ, các biểu hiện

+ xuất hiện thành từng cơn ngắn rồi tự hết, khiến bệnh nhân chủ quan không đi khám.

5.Làm thế nào để phát hiện ra bệnh Glôcôm?

Bác sĩ sẽ dựa trên những triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân, đồng thời tiến hành:

+ Đánh giá thị lực của bệnh nhân.

+ Soi góc tiền phòng, ước lượng độ sâu góc tiền phòng bằng nghiệm pháp Henrick.

+ Đo nhãn áp, nhãn áp tăng cao từ 25mmHg trở lên

+ Đo thị trường có dấu hiệu thu hẹp.

+ Soi đáy mắt hoặc chụp OCT bán phần sau (chụp cắt lớp gai thị, đánh giá lớp sợi thần kinh võng mạc). Soi đáy mắt có dấu hiệu lõm teo đĩa thị.

6. Điều trị bệnh Glôcôm

Mục đích điều trị bệnh Glôcôm là làm dừng hoặc chậm lại quá trình tiến triển của bệnh, duy trì chất lượng nhìn, chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, bệnh nhân glocom có thể được chỉ định điều trị bằng nhiều giải pháp khác nhau như:

  • Điều trị bằng thuốc tra mắt, thuốc uống, truyền dịch để làm hạ nhãn áp
  • Điều trị laser: Laser mống mắt chu biên, Cắt mống mắt chu biên, tạo hình mống mắt bằng laser, đốt laser vùng bè, đốt laser vùng bè chọn lọc, laser quang đông thể mi.
  • Phẫu thuật: Phẫu thuật cắt bè, phẫu thuật lỗ rò, phẫu thuật cắt củng mạc sâu không xuyên thủng, phẫu thuật đặt van dẫn lưu tiền phòng.

7.Tiến triển và biến chứng

Tiên lượng tùy thuộc vào tình trạng bệnh, giai đoạn bệnh khi bệnh nhân đến khám và điều trị. Nếu không được điều trị kịp thời, các tổn thương đĩa thị và thị trường ngày càng nặng hơn dẫn đến mù lòa không có khả năng hồi phục. Nếu được phát hiện sớm và điều trị sớm, đúng phác đồ và theo dõi thường xuyên, bệnh nhân có thể tránh được nguy cơ mù lòa. Điều trị bệnh glocom đòi hỏi một quá trình lâu dài, người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị được chỉ định để có thể kiểm soát diễn biến bệnh và tránh những biến chứng nguy hiểm.

8. Phòng tránh bệnh Glôcôm

Cho đến nay chưa có biện pháp nào có thể phòng được bệnh Glôcôm. Vì vậy việc phát hiện và điều trị sớm, theo dõi thường xuyên là rất quan trọng. Các đối tượng có nguy cao như người trên 40 tuổi nên đi khám mắt 1 năm 1 lần, người có người thân mắc bệnh Glôcôm nên khám mắt định kỳ 6 tháng 1 lần.

9. Địa chỉ khám chữa Glôcôm tại Hà Nội

Là một trong những bệnh viện chuyên khoa Mắt hàng đầu tại miền Bắc, Bệnh viện Mắt Kỹ Thuật Cao Hà Nội và Bệnh viện Chuyên khoa Mắt Hitec sở hữu đội ngũ bác sĩ trên 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị đáy mắt và đội ngũ bác sĩ kế cận được đào tạo chuyên sâu trong nước và quốc tế. Dựa trên những triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân, bác sỹ sẽ tiến hành đánh giá thị lực, soi góc tiền phòng, đo nhãn áp và thị trường, soi đáy mắt hoặc chụp OCT bán phần sau (chụp cắt lớp gai thị, đánh giá lớp sợi thần kinh võng mạc) để xác định xem bạn có gặp phải những tổn thương do Glocom gây ra hay không. Bên cạnh đó với quy trình thăm khám và phác đồ điều trị khoa học, bệnh nhân sẽ có được kết quả tốt nhất. 

☎️Để được tư vấn các bệnh lý về mắt, xin vui lòng liên hệ hotline 𝟎𝟗𝟖𝟒.𝟏𝟐𝟐.𝟏𝟓𝟑

————-☘️☘️☘️☘️☘️————-
Để được tư vấn chi tiết và đặt lịch thăm khám, Quý khách xin vui lòng liên hệ:
📞 Hotline: 𝟎𝟗𝟖𝟒 𝟏𝟐𝟐 𝟏𝟓𝟑
𝐇Ệ 𝐓𝐇Ố𝐍𝐆 𝐁Ệ𝐍𝐇 𝐕𝐈Ệ𝐍 𝐌Ắ𝐓 𝐇𝐈𝐓𝐄𝐂 – 𝐇𝐢𝐭𝐞𝐜 𝐄𝐲𝐞 𝐇𝐨𝐬𝐩𝐢𝐭𝐚𝐥
🏥 Cơ sở 1: Bệnh viện mắt kỹ thuật cao Hà Nội: 51-53-55 Trần Nhân Tông, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội
🏥 Cơ sở 2: Bệnh viện chuyên khoa mắt HITEC: 55 Hàm Long, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội
🏥 Cơ sở 3: Phòng khám mắt kỹ thuật cao: 480 Thụy Khuê, Phường Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội
𝘏𝘐𝘛𝘌𝘊 – 𝘛𝘢̣̂𝘯 𝘵𝘢̂𝘮 𝘤𝘩𝘰 đ𝘰̂𝘪 𝘮𝘢̆́𝘵 𝘴𝘢́𝘯𝘨

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0984 122 153