Nguyên nhân và cách điều trị bệnh chảy nước mắt sống do tắc lệ đạo

Hiện tượng chảy nước mắt thường xuyên mà dân gian thường gọi là chảy nước mắt sống gây cảm giác rất khó chịu và lo lắng cho nhiều người, nhất là hiện tượng này xuất hiện ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân thường gặp nhất là tắc lệ đạo. Cùng bác sĩ nhãn khoa Hitec tìm hiểu bệnh lý tắc lệ đạo qua bài viết dưới đây:

1. Lệ đạo và tắc lệ đạo là gì

Lệ đạo là hệ thống đường dẫn nước mắt từ mắt xuống mũi ở vị trí ngách mũi dưới nằm trong mũi. Bao gồm: các lỗ lệ, các lệ quản, túi lệ và ống lệ mũi
Nước mắt được tiết ra bởi tuyến lệ (chính và phụ) vào mắt giúp rửa và làm ướt mắt, tạo sự trơn nhẵn của bề mặt nhãn cầu, nuôi dưỡng và bảo vệ giác mạc (lòng đen). Phần lớn nước mắt được tiết ra sẽ bốc hơi trên bề mặt nhãn cầu, phần còn lại sẽ chảy xuống mũi qua đường dẫn nước mắt còn (gọi là lệ đạo).

Tắc lệ đạo (dacryostenosis) là khi hệ thống dẫn lưu nước mắt bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn. Khi đó nước mắt không xuống mũi một cách bình thường và gây ra triệu chứng chảy nước mắt, kích thích hoặc làm mắt bị nhiễm trùng.

Tắc lệ đạo, đặc biệt là tắc ở ống lệ mũi, có thể gây ra viêm túi lệ mãn tính. Bệnh nhân thường xuyên chảy nước mắt, kèm theo có chảy nhầy mủ. Nếu không được điều trị, bệnh có thể tiến triển thành viêm cấp tính, gây áp-xe túi lệ, thậm chí gây dò, thoát mủ ra ngoài da. Bệnh nhân thường đau nhức nhiều, vùng góc trong mắt sưng nề, tấy đỏ.
Khoảng 20% trẻ sinh ra bị tắc lệ đạo bẩm sinh, nhưng tình trạng này hầu hết sẽ tự khỏi khi bé được 1 tuổi. Ở người lớn, các nhiễm trùng tại mắt, tình trạng sưng nề, chấn thương hoặc khối u sẽ gây ra tắc lệ đạo


2. Nguyên nhân gây tắc lệ đạo
2.1 Trẻ em: có thể xuất hiện từ lúc sinh
Tắc lệ đạo bẩm sinh xuất hiện sau khi sinh ra, nhất là trẻ đẻ thiếu tháng, nguyên nhân tắc thường do quá trình hình thành lệ đạo trong bào thai chưa hoàn chỉnh nên ở đầu dưới của ống lệ mũi còn lại màng tắc (chiếm khoảng 2 – 4% trẻ sơ sinh). Hầu hết các trường hợp này có thể tự khỏi khi trẻ lớn dần. Đây là nguyên nhân phổ biến thường gặp ở trẻ. Một số ít là do các bất thường khác như:
Bất thường điểm lệ: Không có điểm lệ, chít hẹp điểm lệ hoặc điểm lệ ở sai vị trí…Nếu chỉ có màng ngăn điểm lệ thì có thể rạch màng ngăn. Các tổn thương nặng hơn cần phải phẫu thuật khi trẻ đủ lớn.
Do xương cuốn mũi phát triển bất thường gây tắc lệ đạo.
Do không có van ở lệ đạo làm không khí vào lệ đạo gây xì lên mắt.
Nếu trẻ sơ sinh có đọng nước mắt ở một hoặc hai mắt (mắt luôn ướt) ta cần đưa trẻ đến khám tại cơ sở chuyên khoa mắt. Các bác sĩ sẽ khám bệnh để loại trừ các nguyên nhân gây chảy nước mắt như glôcôm bẩm sinh, quặm mi bẩm sinh hoặc các nhiễm trùng tại mắt…

2.2. Người lớn
Viêm tắc lệ đạo ở người lớn thường xảy ra thứ phát sau viêm nhiễm kéo dài tại mắt (mắt hột..), sau chấn thương, bỏng, khối u, sau xạ trị hoặc do thông lệ đạo nhiều lần gây viêm dính lệ đạo.
Một số lớn trường hợp không tìm thấy nguyên nhân rõ ràng và thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn.
Viêm tắc lệ đạo do tuổi già thường do lật mi do tuổi già (làm điểm lệ không còn ở vị trí bình thường, làm teo niêm mạc lệ đạo) hoặc do khối u..  


3. Triệu chứng tắc lệ đạo
Tắc lệ đạo cấp tính: Có tiền sử chảy nước mắt, có hoặc không có kèm mủ. Đau nhức vùng túi lệ, có thể tăng lên khi liếc mắt kèm theo sưng, nóng, đỏ vùng túi lệ. Túi lệ giãn và lan ra phía dưới hoặc 1 phần phía trên. Nếu nặng hơn có thể có áp-xe túi lệ. Ở giai đoạn muộn có thể gây ra rò mủ ra ngoài da, có thể kèm theo sốt, mệt mỏi, hạch trước tai.
Tắc lệ đạo mạn tính có biểu hiện chảy nước mắt và tiết gỉ mắt, có thể nặn ra mủ nhầy hoặc mủ đặc, dính mi mắt, viêm kết mạc. Vùng túi lệ có khối nề, căng, ấn vào có mủ nhầy trào ra ở góc trong mắt. Bơm lệ đạo: nước trào qua lỗ lệ đối diện có nhầy mủ kèm.


4. Điều trị tắc lệ đạo
Tuỳ theo nguyên nhân, các bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị thích hợp.
– Đối với tắc lệ đạo bẩm sinh:
– Tắc lệ đạo bẩm sinh: khi phát hiện trẻ bị chảy nước mắt, cần đưa đi khám để các bác sĩ xác định chính xác nguyên nhân chảy nước mắt, loại trừ các bệnh nguy hiểm khác ở mắt như glôcôm bẩm sinh, viêm trong mắt. Biện pháp điều trị đơn giản nhất là day, nắn vùng góc trong mắt, nơi có túi lệ, kết hợp với dùng kháng sinh nhỏ mắt. Đa số các trường hợp lệ đạo sẽ thông hoàn toàn khi trẻ được điều trị bằng biện pháp này. Đến khi trẻ được 2 – 3 tháng tuổi, nếu vẫn không hết chảy nước mắt thì các bác sĩ có thể bơm rửa và thông lệ đạo, giúp cho nước mắt lưu thông tốt xuống mũi. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cũng cần lưu ý rằng tuổi để thông lệ đạo tốt nhất là khi trẻ được 4 – 6 tháng tuổi. Khi trẻ lớn hơn, sau 1 năm tuổi thì kết quả điều trị tắc lệ đạo bằng thông sẽ rất thấp. Bệnh nhân thường phải chờ đợi để có thể làm phẫu thuật, tạo nên đường thông lệ đạo mới. Bác sĩ nhãn khoa sẽ hướng dẫn bạn cách ấn vuốt dọc cạnh mũi của bé để làm bật lớp màng này ra. Ấn ngón út lên vùng da nằm giữa góc mắt trong và cạnh bên của mũi, sau đó vuốt xuống trong vài giây.
– Ở những trẻ mà sự bít tắc không tự cải thiện, hoặc các trường hợp người lớn bị bán tắc lệ đạo, hẹp bán phần điểm lệ: bác sĩ sẽ can thiệp bằng phương pháp thông lệ đạo. Một dụng cụ sẽ được dùng để nong dãn điểm lệ trước khi đưa que thông vào lệ đạo qua điểm lệ này. Chiếc que sẽ được luồn xuống đến mũi rồi rút ra. Sau đó, lệ đạo sẽ được bơm rửa với nước muối sinh lý để đẩy trôi những chất ứ đọng gây nghẹt.
– Đối với các trường hợp lệ đạo bị hẹp tắc do viêm hoặc do mô sẹo: bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp đặt ống. Bác sĩ sẽ đưa đoạn dây ống nhỏ vào lệ đạo thông qua một hoặc cả hai điểm lệ ở góc trong của mắt, sau đó luồng hẳn xuống mũi và được giữ nguyên như vậy trong 3 đến 4 tháng. Phần đầu ống ở điểm lệ được thắt nút để giữ cho dây không bị tuột mất. Điểm thắt này sẽ không gây cảm giác khó chịu cho bạn. Phương pháp này cần phải gây mê toàn thân.
– Phẫu thuật thường được lựa chọn trong những trường hợp tắc lệ đạo tiến triển. Phương pháp này cũng khá hiệu quả đối với các trẻ nhỏ bị tắc lệ đạo bẩm sinh. Tuy nhiên, nó được áp dụng sau khi các phương pháp trên thất bại.
– Phẫu thuật nối thông túi lệ mũi thường được dùng để điều trị hầu hết các trường hợp tắc lệ đạo. Bác sĩ sẽ tạo điểm thông nối giữa túi lệ và mũi, đặt ống vào trong và lưu ống từ 3 đến 6 tháng.
– Để phòng ngừa viêm nhiễm sau mổ, bạn cần sử dụng thuốc co mạch mũi và thuốc kháng sinh, chống viêm tra mắt tại chỗ và toàn thân. Sau 3 đến 6 tháng, ống đặt bên trong sẽ được lấy ra.

Phẫu thuật viêm lệ đạo

5. Phòng ngừa tắc lệ đạo
Để giảm nguy cơ phát triển tắc lệ đạo, hãy tuân thủ các biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời chứng viêm hoặc nhiễm trùng mắt.
• Rửa tay kỹ và thường xuyên.
• Không dụi mắt hoặc để tay bẩn chạm vào mắt.
• Hạn chế tình trạng viêm nhiễm tại mắt do dùng chung đồ như mỹ phẩm, khăn mặt
• Khám định kỳ theo dõi và phát hiện sớm tình trạng bệnh

Khám tổng quát để phát hiện sớm và theo dõi tình trạng mắt thường xuyên tại Bệnh viện Mắt Kỹ Thuật Cao Hà Nội và Bệnh viện Chuyên Khoa Mắt Hitec giúp giảm nguy cơ gây tổn thương mắt. Để được tư vấn và hỗ trợ 24/7 hoặc đặt lịch khám nhanh chóng với các chuyên gia nhãn khoa hàng đầu Việt Nam tại Mắt Hitec xin vui lòng liên hệ HOTLINE 0984 122 153 để biết thông tin chi tiết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0984 122 153