Nhận biết và cách điều trị quặm mi mắt

Mi mắt có vai trò bảo vệ mắt khỏi tổn thương và góp phần tạo nên vẻ đẹp của khuôn mặt, với hai nhiệm vụ chính là mở mắt và nhắm mắt. Động tác nhắm mắt giúp ngăn chặn các tác nhân bên ngoài khỏi va chạm vào phần trước mắt, che bớt ánh sáng vào võng mạc, làm cho nước mắt chan hòa trên giác mạc và kết mạc, di chuyển nước mắt về phía tuyến lệ. Mi mắt có da mỏng, chứa nhiều cấu trúc tuyến và cơ, có tuần hoàn và tổ chức tế bào lympho phong phú, góp phần bảo vệ nhãn cầu. Có nhiều bệnh lý mi mắt trong đó quặm mi là bệnh lý hay gặp nhất. Tuy quặm chỉ biểu hiện ở mi nhưng luôn khiến cho người bệnh cảm giác khó chịu, đau đớn. Cùng chuyên gia nhãn khoa Hitec tìm hiểu về bệnh lý quặm mi mắt qua bài viết dưới đây:

1.Quặm mi mắt là gì?

Quặm là tình trạng cuộn vào trong của 1 phần hay toàn bộ bờ mi gây biến chứng giác mạc do sự cọ xát của lông mi.

2.Các hình thái lâm sàng của quặm mi mắt:

– Quặm tuổi già

– Quặm do sẹo

– Quặm cơ học

– Quặm co thắt

– Quặm bẩm sinh

3.Mức độ quặm mi mắt

Tùy theo mức độ tổn thương sụn,bờ mi, lông siêu, lông quặm người ta chia làm bốn mức độ:

– Độ 1: Chưa có tổn thương bề dày của sụn.

– Độ 2: Có tổn thương bề dày của sụn.

– Độ 3: Có tổn thương bề dày của sụn + lông siêu , lông quặm

– Độ 4: Độ 3 + tổn thương giác mạc …

4.Phương pháp điều trị quặm mi mắt

Hiện có hai phương pháp điều trị tình trạng quặm mi đó là:

4.1 Điều Trị Tạm Thời:

Bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng bệnh của từng bệnh nhân để kê kháng sinh chống bội nhiễm cùng các loại thuốc nhỏ bôi trơn giảm sự cọ sát hay kéo lật mi ra ngoài bằng băng dính.

4.2 Điều Trị Triệt Để:

Phẫu thuật quặm là phẫu thuật tạo hình giải quyết tình trạng lông mi cọ vào giác mạc do biến chứng của bệnh mắt hột gây sẹo kết mạc, biến dạng sụn mi, co quắp cơ vòng cung.…

4.2.1 Chỉ định phẫu thuật

Quặm mi do sẹo kết mạc biến dạng sụn mi.

4.2.2 Chống chỉ định phẫu thuật

– Đang có nhiễm khuẩn nặng tại mắt như viêm kết mạc cấp, viêm mủ túi lệ, viêm loét giác mạc cấp, loét giác mạc thủng.

– Bờ mi có biến dạng như hở mi, hếch mi dẫn đến thất bại của phẫu thuật. Trong trường hợp này cần phẫu thuật quặm phối hợp với tạo hình mi.

4.2.3 Đối với quặm mi bẩm sinh ở trẻ em:

– Thông qua thăm khám, bác sĩ sẽ đánh giá được chiều dài và mức độ quặm mi trên lâm sàng, từ đó chẩn đoán chính xác được tật ở trẻ;

– Với trẻ nhỏ hơn 1 tuổi, bác sĩ sẽ tra thuốc vì lúc này mi của trẻ chưa đủ cứng để gây tổn thương vào giác mạc;

– Hướng dẫn cha mẹ vuốt bờ mi cho trẻ để lông mi bật ra ngoài, tránh tổn hại giác mạc. Nếu tình trạng không tiến triển khi trẻ lớn thì nên được phẫu thuật.

Lưu ý: Cha mẹ cần quan sát biểu hiện của con, nếu trẻ có các biểu hiện như dụi mắt nhiều, nước mắt chảy nhiều thì cần đưa trẻ đến các cơ sở nhãn khoa sớm và uy tín để được thăm khám, điều trị.

Quặm mi bẩm sinh

4.2.4. Đối với người lớn quặm mi:

Cách điều trị quặm mi ở người lớn là điều trị theo nguyên nhân dẫn đến tình trạng quặm. Các phương pháp điều trị gồm có phẫu thuật rút ngắn mi để điều trị nhão mi phối hợp, tạo lại chỗ bám của cơ kéo mi dưới hoặc loại trừ tác nhân gây co quắp. Việc phẫu thuật quặm sẽ phải tùy thuộc vào nguyên nhân và được quyết định chỉ định phẫu thuật bởi bác sĩ chuyên khoa. Các phương pháp phẫu thuật quặm mi hiện nay như sau:

Quặm mi do tuổi già

* Phương pháp phẫu thuật Quặm mi Panas

– Rạch da mi và bộc lộ sụn mi:

+ Đường rạch da đi suốt từ góc trong ra góc ngoài của mi mắt, song song với bờ mi và cách bờ mi 2mm.

+ Tách mép da phía trên khi thấy bờ trên sụn và một phần cân treo sụn, tách mép da phía dưới đến khi thấy bóng hàng chân lông mi.

+ Cắt sụn mi: với lưỡi dao nằm ngang suốt từ góc nọ sang góc kia của mắt, đường cắt cách bờ sụn dưới 2mm.

– Đặt chỉ khâu sụn mi:

+ Đặt 4 nốt chỉ rời nhau, cách quãng đều nhau. Luồn kim từ trên xuống dưới, kim móc vào phên treo sụn và một phần bờ trên sụn rồi trườn qua đằng trước nửa trên và nửa dưới của sụn, tiếp đó luồn qua đằng sau hàng chân lông mi rồi ra ngoài da.

+ Vuốt 2 mép da để hai nửa sụn sát lại với nhau, rồi thắt nhẹ từng nốt chỉ. Tập trung 4 đầu chỉ lên trên da trán.

+ Khâu da.

+ Băng mắt.

+ Cắt chỉ sau 5 ngày.

+ Chú ý: khi cắt sụn góc trong hay bị chảy máu do cắt vào động mạch mi trên và trong nên phải cặp cầm máu tốt.

– Theo dõi sau phẫu thuật: nhiễm khuẩn, mào thịt thừa, viêm dày bờ mi.

* Phương pháp phẫu thuật Quặm mi Trabu

Phương pháp này được dùng khi độ quặm nhẹ, sụn mi còn mỏng chưa bị biến dạng nhiều, chưa bị cuộn sụn lại.

– Lật mi và cố định mi trên: đặt 2 sợi chỉ ở 2 góc mi về phía ngoài da. Đặt thanh đè Trabut để lật mi, móc 2 sợi chỉ vào các móc của thanh đè theo hình số 8 để bộc lộ mặt trong của mi.

– Rạch kết mạc và sụn bằng dao theo 1 đường rạch song song với bờ mi, cách bờ mi 2mm. Luồn mũi kéo qua đường rạch, cắt nốt sụn cho gọn rồi dùng mũi kéo tách sụn ra khỏi bình diện da. Nếu sụn dày thì hớt cho mỏng.

– Đặt chỉ: dùng 4 đoạn chỉ dài 20cm, mỗi đầu chỉ mang 1 kim. Đặt 4 nút chỉ hình chữ U: cầm 1 kim chọc thủng phần sụn trên cách mép sụn 1mm, luồn kim vào khe phân cách giữa sụn và da, thọc kim ra phía rìa bờ mi cách sau hàng lông mi 1mm. Đầu kim kia chọc thủng sụn ở 1 điểm cách mép 1mm và cách điểm trước 3mm rồi cũng đưa ra ngoài bờ mi như mũi chỉ trước (đặt 2 vòng chỉ ở giữa trước, sau đó đặt 2 vòng chỉ ở góc).

– Thắt 2 mối chỉ của 1 chữ U với nhau trên một miếng gạc cuộn tròn hoặc 1 mảnh xốp tròn.

– Băng mắt.

* Phương pháp phẫu thuật Quặm mi Cuenod Nataf

Hiện nay phương pháp này thường được áp dụng nhiều hơn vì ít biến chứng.

– Rạch bờ tự do mi mắt bằng dao lam có cán hoặc dao lưỡi nhỏ, đường rạch sâu khoảng 1mm.

– Rạch da cách hàng lông mi 2mm, đường rạch da đi song song với bờ mi từ góc trong ra góc ngoài.

– Bộc lộ sụn, cắt gọt bớt sụn bị cuộn dày lên và thoái hóa theo hình lòng máng dọc theo chiều dài sụn.

– Khâu hình chữ U: đường kim chỉ đi từ bờ mi, móc tựa vào bờ trên của sụn và quay kim trở ra bờ mi, đáy chữ U ở phần trên của sụn.

– Kéo 4 chỉ chữ U nếu chưa đủ vểnh có thể bổ sung:

+ Cắt thêm tam giác da ở phía góc ngoài của mắt tiếp nối đường da đã rạch

+ Hoặc dùng kéo bấm vào bờ mi ở 2 góc mi.

– Khâu da 3-4 nốt chỉ mũi rời hoặc khâu vắt.

– Băng mắt.

– Chú ý: khi da mi của người bệnh có hiện tượng thừa da có thể cắt bỏ bớt mảnh da thừa theo hình múi cam, chiều cao của phần da cắt bỏ nhiều hay ít tùy theo độ thừa của da mi.

*Theo dõi sau phẫu thuật

– Thay băng hàng ngày.

– Tra và uống kháng sinh.

– Hẹn tái khám sau 1 tuần để cắt chỉ.

5. Địa chỉ phẫu thuật Quặm mi uy tín, triệt để tại Hà Nội

Lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa dành cho bệnh nhân là nên đi khám ngay khi phát hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào ở vùng mắt. Việc thăm khám kịp thời, đúng cách sẽ làm hạn chế tối đa các biến chứng ảnh hưởng đến chức năng thị giác là viêm giác mạc và loét giác mạc. Đối với trẻ em và người lớn tuổi thì việc chăm sóc sức khỏe đôi mắt là vô cùng quan trọng, tránh để bệnh ủ lâu và tránh những biến chứng có thể xảy ra nhiều nhất có thể.

Bệnh viện Mắt Kỹ Thuật Cao Hà Nội và Bệnh viện Chuyên Khoa Mắt Hitec là cơ sở y tế chuyên khoa Mắt đầu tiên tại Hà Nội hoạt động với chất lượng toàn diện cả về chuyên môn, trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ bệnh nhân. Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn về phẫu thuật quặm mi hoặc cần hỗ trợ trực tiếp vui lòng liên hệ theo số Hotline 0984 122 153 hoặc đăng ký lịch khám nhanh chóng qua Fanpage của bệnh viện.

————-☘️☘️☘️—————–
𝘏𝘐𝘛𝘌𝘊 – 𝘛𝘢̣̂𝘯 𝘵𝘢̂𝘮 𝘤𝘩𝘰 đ𝘰̂𝘪 𝘮𝘢̆́𝘵 𝘴𝘢́𝘯𝘨
📞 Hotline: 0984 122 153
🏥 Cơ sở 1: Bệnh viện mắt kỹ thuật cao Hà Nội: 51-53-55 Trần Nhân Tông, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội
🏥 Cơ sở 2: Bệnh viện chuyên khoa mắt HITEC: 55 Hàm Long, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội
🏥 Cơ sở 3: Phòng khám mắt kỹ thuật cao: 480 Thụy Khuê, Phường Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0984 122 153