Cận thị học đường không chỉ làm giảm thị lực mà còn ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển thế chất, tinh thần của trẻ. Cận thị nặng, tăng độ nhanh có nguy cơ gây ra các biến chứng nguy hiểm dẫn đến khiếm thị, mù lòa. Chỉnh kính tối ưu, đeo kính đủ số góp phần quản lý hiệu quả sự tiến triển của cận thị học đường.
Gần 2 năm không đi khám mắt, dù vẫn đang đeo kính cận tới 6 độ mà thị lực chỉ đạt 3/10!
Em T.M.Q sinh năm 2006 ở Hàng Thùng, Hoàn Kiếm, Hà Nội – học sinh lớp 11 trường Tiểu học – THCS – THPT Thực nghiệm khoa học giáo dục Hà Nội bị cận thị nhưng đã gần 2 năm nay không đi khám mắt.
Qua chương trình khám sàng lọc và quản lý tật khúc xạ do nhà trường tổ chức mới đây, các bác sĩ cho biết 2 mắt của Q. vừa cận khá cao vừa loạn thị nhưng thị lực với kính đang đeo mỗi mắt chỉ đạt 3/10. Nếu không đeo kính Q. không đọc được hàng chữ to nhất trên bảng thị lực!
Bác sỹ chỉ định Q. cần đi khám khúc xạ, kiểm tra lại kính sớm với kết luận: 2 mắt cận loạn nặng, kính chưa tối ưu.
Tại phòng khám Mắt kỹ thuật cao Hà Nội số 480 Thụy Khuê (phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội), Ths.Bs chuyên khoa mắt Lê Kim Lan nói: Q. vừa cận nặng vừa loạn nhưng hiện tại kính của em mới chỉnh độ cận (MP: 6,00D; MT: 5,75D) mà chưa có độ loạn nên thị lực rất kém và hình ảnh nhìn không nét. Cháu có thể hay bị nhìn nhầm các chữ, số gần giống nhau như chữ O với chữ Q, số 0 với số 9… chưa kể việc đi lại và sinh hoạt của cháu luôn dè dặt, không tự tin do nhìn không rõ, xác định khoảng cách không gian không chuẩn!
Thêm vào đó kính của Q. còn bị sai thông số kỹ thuật rất nặng do cắt ở tiệm kính “cho tiện” (theo lời mẹ Q. nói): tâm kính sai tới gần 10 mm so với khoảng cách đồng tử mắt, kính lại bị trầy xước do đã gần 2 năm nay con không đi khám và thay kính!
Theo BS Lan, sau 2 năm độ cận của Q. tăng 0,75D – 1,50D mỗi mắt, con số đó hoàn toàn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên khi chỉnh kính tối đa (MP:7,50D; MT: 6,50D), cộng thêm độ loạn để đạt thị lực 20/20 với hình ảnh sắc nét (tương đương với 10/10), Q. không đeo được vì mắt nhức mỏi do số kính tăng đột ngột trong 1 lần thay kính và đeo kính loạn quá muộn nên Q. sẽ khó thích nghi ngay được với kính.
BS Kim Lan chia sẻ thêm: “Trường hợp như cháu Q. không phải là hiếm, vì vậy chúng tôi luôn dặn dò các phụ huynh dù đã có kính nhưng vẫn cần đưa con đi khám khúc xạ định kỳ 3-6 tháng/1 lần theo lịch hẹn. Với trường hợp của Q., chúng tôi không thể cấp đơn kính tối ưu ngay mà sẽ cho cháu đeo non số một chút, chấp nhận thị lực mới đạt khoảng 8/10, sau đó chỉnh tiếp để đạt thị lực tối đa”.
Tật khúc xạ nặng và những nguy cơ mù loà
Theo các chuyên gia nhãn khoa, tật khúc xạ bao gồm: cận thị, viễn thị, Loạn thị, trong đó cận thị chiếm tới trên 90% tương ứng với khoảng ¼ (25%) tổng dân số trên thế giới.
Cận thị học đường không chỉ làm giảm thị lực mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển thế chất, tinh thần cũng như sự phát triển hoàn thiện thị giác hai mắt, đến khả năng nhận biết không gian, khả năng phối hợp tay – mắt và các động tác tinh tế, nhanh nhạy, năng động gây ra nhiều hạn chế trong sinh hoạt, học tập, tham gia giao thông và giao tiếp, khám phá thế giới xung quanh của trẻ.
Theo các chuyên gia, độ cận được phân loại như sau: cận thị nhẹ (dưới 3,00D); cận thị trung bình (từ 3,00D – 5,00D); cận thị nặng (trên 5,00D – 9,00D); cận rất nặng là trên 9,00D;
Đánh giá mức độ tiến triển của cận thị dựa vào độ cận tăng theo năm như sau: Tăng nhẹ: dưới 0,50D/năm; Trung bình: từ 0,50D – 1,00D/năm; Nhanh: từ 1, 25D – 2,00D/năm; Rất nhanh: trên 2,00D/năm
Cận thị nặng, tăng độ nhanh (cận thị tiến triển) có nguy cơ gây ra các biến chứng nguy hiểm dẫn đến khiếm thị và mù lòa do thoái hóa võng mạc – hoàng điểm, bong võng mạc, đục thuỷ tinh thể, glocoma …
Chuyên gia mắt Hitec khuyến cáo: tật khúc xạ cần được chỉnh kính tối ưu
Trong tật khúc xạ, kính cần được chỉnh tối ưu sao cho khi đeo bệnh nhân có cảm giác thoải mái, không nhức mỏi, không chóng mặt, đau đầu và đạt thị lực tốt nhất với màu sắc, hình ảnh, độ sắc nét chân thực. Việc đó chỉ được làm tốt tại các phòng khám và bệnh viện bởi các nhân viên khúc xạ nhãn khoa, các y bác sỹ có trình độ chuyên khoa mắt!
Với tật cận thị, bệnh nhân được đeo kính đủ số với nguyên tắc số kính thấp nhất cho thị lực cao nhất. Trường hợp của bệnh nhân Q., kính của Q. đã bị vi phạm nguyên tắc “kính đeo chưa đúng số, chưa chỉnh hết độ cận và loạn, kỹ thuật cắt kính chưa đảm bảo nên không đạt được thị lực tốt. Đó cũng là vấn đề gặp ở nhiều người khi đi cắt kính tại các tiệm kính”.
Các chuyên gia nhãn khoa của Bệnh viện Mắt Hitec khuyến cáo: bệnh nhân có tật khúc xạ nên đi khám và chỉnh kính tại các bệnh viện hoặc phòng khám mắt để được khám khúc xạ toàn diện và điều trị hiệu quả.
Trẻ cận thị nặng và tiến triển nhanh cần được thăm khám khúc xạ định kì 3- 6 tháng/ 1 lần để được chỉnh kính tối ưu và tư vấn các phương pháp quản lý tiến triển cận thị phù hợp, hiệu quả, khoa học, phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm cho mắt…
Chỉnh kính tối ưu, đeo kính đủ số chính là góp phần quản lý hiệu quả sự tiến triển của cận thị học đường.
Nguồn: Báo Sức khỏe đời sống