VIÊM MÀNG BỒ ĐÀO – BIẾN CHỨNG HẬU COVID

Trên thế giới, một nghiên cứu của Naser Nasiri (Viện Nghiên cứu tương lai về sức khỏe) và cộng sự năm 2021, trên cỡ mẫu 8.219 người mắc COVID-19 (phần lớn là nữ từ 7 – 65 tuổi), cho thấy tỉ lệ tổn thương ở mắt là 11,3% (cứ 10 người mắc COVID-19 sẽ có 1 người có tổn thương mắt) phổ biến là các bệnh lý ở bán phần trước và bộ phận phụ cận: khô mắt/cộm xốn (16%), đỏ mắt (13,3%), chảy nước mắt sống (12,8%).

Trong đó, thường gặp nhất là viêm kết mạc cấp (88,8%) với biểu hiện đỏ mắt. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng chỉ ra một số trường hợp bệnh nhân hậu COVID-19 có đỏ mắt nhưng không đơn thuần chỉ là viêm kết mạc mà báo hiệu bệnh một mắt nguy hiểm hơn do viêm bán phần trước nhãn cầu, đó là viêm màng bồ đào trước do phản ứng miễn dịch quá mức.

COVID-19 còn có thể gây tổn thương vi mạch võng mạc và hắc mạc (bán phần sau nhãn cầu) do tình trạng thiếu máu, rối loạn tuần hoàn và đông máu, viêm mạch, tổn hại tế bào nội mô mạch máu, dẫn đến tình trạng xuất huyết, tắc tĩnh mạch võng mạc, nặng hơn là tắc động mạch võng mạc, gây mù không hồi phục.

Viêm màng bồ đào – Nỗi ám ảnh của các thầy thuốc nhãn khoa

ThS.BS Nguyễn Thị Minh Ngọc – Trưởng khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt HITEC điều trị trực tiếp cho cháu A. chia sẻ: “Viêm màng bồ đào luôn là nỗi ám ảnh của các thầy thuốc nhãn khoa, bởi tính chất bệnh lý và căn nguyên rất phức tạp, nhất là bệnh xảy ra trên người trẻ tuổi như thế này”.

Bệnh viện Mắt HITEC vừa tiếp nhận cháu T.N.H.A ở Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội – 15 tuổi, học sinh lớp 9 đến khám trong tình trạng mắt đau nhức âm ỉ kèm theo có đau nhức đầu, đỏ mắt và nhìn mờ nhiều. Được biết, vừa qua cháu A. từng là F0 và đã khỏi COVID-19.

Thăm khám, các bác sĩ nhận thấy, tại mắt của A. tình trạng xuất huyết kết mạc mức độ nặng, mắt phải đỏ như “cục tiết”, mắt trái nhẹ hơn – tuy nhiên xuất huyết kết mạc trông rất dữ dội nhưng lại không phải là vấn đề nghiêm trọng của cháu A. và đó cũng không phải là nguyên nhân làm cho thị lực của cháu giảm trầm trọng như vậy: Thị lực: Mắt phải ĐNT 3m (A. không nhìn thấy dòng chữ to nhất trên bảng thị lực, mà chỉ đếm được ngón tay cách mắt 3m); Mắt trái: 20/40 (tương đương 5/10).

Khám mắt trên sinh hiển vi cho thấy A. có đầy đủ các triệu chứng điển hình của một bệnh viêm màng bồ đào trước: đồng tử co nhỏ, dính bít, mất phản xạ với ánh sáng, phản ứng viêm rõ (dấu hiệu Tyndall +++)…; Siêu âm bán phần sau có vẩn đục dịch kính. Các bác sĩ Bệnh viện Mắt HITEC chẩn đoán: 2 mắt: xuất huyết kết mạc, viêm màng bồ đào toàn bộ… Cháu A. được điều trị tích cực bằng các thuốc toàn thân và tại mắt: chống viêm, chống dính, nâng cao thể trạng và tăng cường miễn dịch.

Hơn 1 tuần điều trị, tình trạng viêm cấp đã tạm ổn, mắt hết đỏ, hết đau nhức nhưng thị lực của cháu chưa được cải thiện đáng kể.

Viêm màng bồ đào là bệnh gì?

Theo cấu tạo của mắt, màng bồ đào gồm ba phần đó là mống mắt, thể mi và hắc mạch. Đây cũng là nơi chứa nhiều mạch máu, bao gồm các tĩnh mạch và động mạch đưa máu nuôi dưỡng mắt.

Viêm màng bồ đào là tình trạng viêm ở bất kỳ vị trí nào trong lớp có sắc tố bên trong mắt (màng bồ đào). Bệnh có thể gây ảnh hưởng đến thủy tinh thể, võng mạc, các dây thần kinh thị giác.

Nguyên nhân viêm màng bồ đào

Theo ThS. BS. Nguyễn Thị Minh Ngọc – Trưởng khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt HITEC thì các nguyên nhân gây viêm màng bồ đào có thể do chấn thương, nhiễm trùng và các bệnh hệ thống, trong đó phần nhiều là bệnh tự miễn: viêm màng bồ đào kèm theo tổn thương nhiều cơ quan khác như hội chứng Behcet, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp tự phát ở trẻ vị thành niên, bệnh Sarcoidosis, viêm khớp phản ứng, viêm ruột (bệnh Crohn và viêm loét đại tràng), bệnh Vogt-Koyanagi-Harada – viêm màng bồ đào màng não …

Các nguyên nhân gây viêm màng bồ đào khác có thể do virus, vi khuẩn, nấm hay ký sinh trùng …như: Herpes (do virus herpes simplex), Zona (do virus varicella-zoster), Toxoplasmosis và Cytomegalovirus. Trong đó, Cytomegalovirus thường thấy ở những người có suy giảm miễn dịch do nhiễm HIV hoặc ung thư phải dùng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài…

Khoảng một nửa trường hợp là Viêm màng bồ đào vô căn – không xác định được nguyên nhân. Do vậy, ngoài các dấu hiệu lâm sàng, bác sỹ cần xét nghiệm tìm nguyên nhân để điều trị hiệu quả hơn. Bệnh có xu hướng diễn biến mạn tính và để lại những di chứng dính bít đồng tử, thậm trí có thể bong võng mạc gây giảm thị lực không hồi phục hoàn toàn. “Cháu A. còn có tật khúc xạ nữa nên việc tiên lượng càng khó khăn. Chúng tôi cũng sẽ cố gắng kiểm soát được tình trạng viêm ổn định để cháu có thể tiếp tục học tập” –  BS Ngọc nói.

Triệu chứng viêm màng bồ đào

Một số dấu hiệu giúp nhận biết bệnh, bao gồm:

  • Nhìn mờ là dấu hiệu dễ nhận biết nhất, cảm giác nhìn mọi vật qua màn sương, dấu hiệu này hay gặp ở viêm màng bồ đào trước.
  • Cương tụ mạch máu ở kết mạc.
  • Đau nhức mắt âm ỉ, có thể kèm theo tăng nhãn áp.
  • Nhạy cảm với ánh sáng, chảy nước mắt.
  • Đỏ mắt, dễ chẩn đoán nhầm với viêm kết mạc.
  • Nhìn thấy nhiều bóng đen (hiện tượng ruồi bay).

Tuy nhiên, đôi khi người bệnh không hề xuất hiện các triệu chứng như trên và việc chẩn đoán bệnh chỉ thông qua việc khám mắt định kỳ và phát hiện các bất thường của viêm màng bồ đào.

Biến chứng của viêm màng bồ đào

Tăng nhãn áp

  •         Tăng nhãn áp là biến chứng khá phổ biến của viêm màng bồ đào trước.
  •         Tăng nhãn áp trong viêm mống mắt thể mi hoạt tính do nghẽn đồng tử, nghẽn góc tiền phòng bởi xuât tiết. Điều trị bằng thuốc dãn đồng tử, chống viêm tích cực, các thuốc hạ nhãn áp, nhãn áp có thể điều chỉnh. Nếu nhãn áp không điều chỉnh, dù viêm màng bồ đào chưa ổn định cũng cần phẫu thuật lỗ dò có cắt mống mắt rộng, kết hợp với chống viêm mạnh, vì nếu tăng nhãn áp kéo dài sẽ gây tổn hại chức năng thị giác không hồi phục.
  •         Tăng nhãn áp trong viêm màng bồ đào cũ do dính góc tiền phòng hoặc do dính bít đồng tử làm thủy dịch đọng ở hậu phòng sau mống mắt, đẩy mống mắt phồng ra trước hình thành “núm cà chua”. Điều trị bằng phẫu thuật lỗ dò, cắt mống mắt rộng.
  •         Tăng nhãn áp có khi là hậu quả của điều trị viêm màng bồ đào bằng cortisteroid. nhãn áp có thể điều chỉnh khi giảm liều cortisteroid và dùng các thuốc hạ nhãn áp như thuốc ức chế men anhydrase carbonic (acetazolamid), thuốc phong bế beta. Nếu tăng nhãn áp gây tổn hại chức năng thị giác nhiều, cần phẫu thuật lỗ dò. Những viêm màng bồ đào nặng, mãn tính, tái phát nhiều lần có thể có tân mạch ở mống mắt, ở góc tiền phòng gây glocom tân mạch. Điều trị bằng phẫu thuật lỗ dò, hoặc lạnh đông thể mi hay quang đông thể mi kết hợp với thuốc hạ nhãn áp thường có kết quả.

Đục thể thủy tinh

Gặp ở thể mãn tính hoặc tái phát là biến chứng chính của quá trình viêm hoặc dùng cortisteroid. Cần phẫu thuật lấy thể thủy tinh khi viêm màng bồ đào thật ổn định và thể thủy tinh đục nhiều, các xét nghiệm siêu âm, điện võng mạc đánh giá tổn thương dịch kính võng mạc cho phép tiên lượng thị lực cải thiện sau mổ lấy thể thủy tinh có thể lấy thể thủy tinh ngoài bao hoặc phaco. Mổ lây thể thủy tinh có thể kết hợp cắt dịch kính pars plana nếu dịch kính đục nhiều. Khi mổ có khó khăn, đồng tử co dính dễ viêm màng bồ đào hậu phẫu, cần chống viêm tích cực bằng cortisteroid hoặc thuốc ức chế miễn dịch khác….

Trong những viêm màng bồ đào cấp nặng, có khi thể thủy tinh đục trương phồng, cần phẫu thuật lấy thể thủy tinh sớm ngay cả khi viêm màng bồ đào chưa ổn định và kết hợp điều trị chống viêm mạnh.

Phù hoàng điểm dạng nang

Làm giảm thị lực, điều trị bằng cortisteroid và thuốc chống viêm không cortisteroid.

Teo nhãn cầu

Do thể mi giảm tiết thủy dịch vĩnh viễn dẫn đến teo nhãn cầu

Tổ chức hóa dịch kính

Dịch kính đục nhiều tổ chức hóa gây giảm thị lực. Nếu chức năng võng mạc còn tốt, phẫu thuật cắt dịch kinh qua pars plana có thể cải thiên thị lực và tránh được biến chứng bong võng mạc do xơ dịch kính co kéo. Cắt dịch kính không ngăn được viêm màng bồ đào tái phát.

Bong võng mạc

Do sơ dịch kính co kéo có khi rách võng mạc. Phẫu thuật cắt dịch kính qua pars plana kết hợp mổ bong võng mạc là một phẫu thuật phức tạp nhiều khi khó kết quả.

Trong những viêm màng bồ đào sau có bong võng mạc do dịch rỉ viêm (bong võng mạc nội khoa hay gặp trong hội chứng Harada), điều trị chống viêm tích cực, khi viêm giảm, bong võng mạc cũng xẹp dần.

Khuyến cáo của bác sĩ Bệnh viện Mắt HITEC

Theo bác sĩ Bệnh viện Mắt HITEC F0 khi mắc hay đã khỏi COVID-19, để phòng tránh di chứng và các bệnh về mắt nếu có dấu hiệu mắt đau đỏ, cộm, chói, chảy nước mắt, sợ ánh sáng … đặc biệt là dấu hiệu nhìn mờ, nhìn bất thường như cong hình, méo hình, ruồi bay cần đi khám chuyên khoa mắt sớm để có phương án điều trị kịp thời, tránh các biến chứng bệnh tăng nặng hoặc những tác dụng phụ không mong muốn do tự điều trị như khô mắt, tăng nhãn áp, đục thể thủy tinh, viêm màng bồ đào,…

F0 khi mắc hay đã khỏi COVID-19, cần hạn chế sử dụng, tương tác với màn hình điện thoại, máy tính và các thiết bị điện tử trong thời gian dài, liên tục tránh bị nhức mỏi mắt, khô mắt, tăng số kính nhanh, tổn thương kết – giác mạc và võng mạc do ánh sáng xanh.

F0 khi mắc hay đã khỏi COVID-19, cần uống đủ nước, bổ sung thêm các loại vitamin và vi chất (A, C, E, kẽm, Lutein …), giữ tinh thần thoải mái, lạc quan, tuân thủ điều trị COVID-19 theo hướng dẫn của bác sĩ.

Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc hoặc dùng theo đơn của người khác, đặc biệt đối với các thuốc chống viêm steroid sẽ giúp hết đỏ mắt rất nhanh nhưng lại có thể gây những biến chứng nguy hiểm dẫn đến mù lòa.

Tìm hiểu thêm: 

https://suckhoedoisong.vn/hau-covid-19-thieu-nien-15-tuoi-o-ha-noi-bi-viem-mang-bo-dao-169220422112513202.htm

————-☘☘☘☘☘————-

Hệ thống bệnh viện mắt HITEC – Tận tâm cho đôi mắt sáng

☎ SĐT tư vấn: 0984.122.153

🏥 Bệnh viện mắt kỹ thuật cao Hà Nội: Số 51-53-55 Trần Nhân Tông, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội

🏥 Bệnh viện chuyên khoa mắt HITEC: Số 55 Hàm Long, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội

🏥 Phòng khám mắt kỹ thuật cao: Số 480 Thụy Khuê, Phường Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội

🌏 Website: https://benhvienmat.vn

📩 Liên hệ: m.me/hethongbenhvienmathitec

📩 Fanpage: https:/www.facebook.com/hethongbenhvienmathitec

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0984 122 153