Bệnh Glôcôm mổ xong có khỏi hoàn toàn?

Glôcôm – hay còn gọi là thiên đầu thống là cấp cứu nhãn khoa khá phổ biến ở Việt Nam và các nước đang phát triển. Bệnh tiến triển âm thầm gây lõm, teo đầu dây thần kinh thị giác không hồi phục khiến người bệnh mất thị lực, thị trường vĩnh viễn nếu không được điều trị.
Glôcôm: Một cấp cứu nhãn khoa khá phổ biến
Ông N.H.N., 60 tuổi (ở phường Đồng Tâm, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã mổ Glôcôm tại Bệnh viện mắt Trung ương 20 năm trước, gần đây ông lại thấy mắt có dấu hiệu đau nhức và chói lóa khi nhìn vào nguồn sáng. Vì đã được bác sĩ cảnh báo trước về những ảnh hưởng đến thị lực sau thời gian mổ Glôcôm nên thời gian qua, ông N. thường xuyên tái khám và theo dõi mắt tại Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao Hà Nội (Hitec).
Nhân dịp Tuần lễ Glôcôm thế giới năm nay, ông N. đã được bệnh viện mời đến thăm khám lại. Tại đây, ông được chẩn đoán Glôcôm tái phát và được điều trị bổ sung bằng các thuốc tra mắt đặc trị cho bệnh Glôcôm.
Ths.Bs Nguyễn Văn Sanh khám mắt cho bệnh nhân Glocom
ThS.BS Nguyễn Văn Sanh – Giám đốc bệnh viện trực tiếp khám và vui mừng thông báo: 2 năm nay, mắt ông N., vẫn giữ được nhãn áp và các chức năng thị giác ổn định với các thuốc tra mắt mà không phải mổ lại hay can thiệp bổ sung thêm bất kỳ một thủ thuật nào.
“Tuy nhiên, mắt bệnh nhân mờ đi nhiều so với những lần trước do nhân mắt đã đục và có chỉ định phẫu thuật. Phẫu thuật đục thủy tinh thể đúng lúc cũng giúp làm giảm nguy cơ gây tăng nhãn áp cho mắt, đặc biệt trên những mắt đã có tiền sử Glôcôm như ông N.”- ThS.BS Nguyễn Văn Sanh nói.
Các chuyên gia nhãn khoa cho hay, Glôcôm là một cấp cứu nhãn khoa khá phổ biến ở Việt Nam và các nước đang phát triển. Bệnh tiến triển âm thầm gây lõm, teo đầu dây thần kinh thị giác không hồi phục khiến người bệnh mất thị lực, thị trường vĩnh viễn nếu không được điều trị.
Tuy nhiên, khi đến viện trong cơn cấp, đau nhức mắt dữ dội, giảm thị lực, bệnh nhân sẽ được điều trị ngay bằng các thuốc tra mắt và thuốc uống để làm hạ nhãn áp tam thời. Các thuốc này được sử dụng theo chỉ định, dưới sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ nhãn khoa. Sau đó, tùy từng hình thái, giai đoạn bệnh, bác sỹ sẽ có chỉ định can thiệp phù hợp.
Vì sao chuyên gia khuyến cáo cần theo dõi mắt định kỳ sau mổ Glôcôm?
Các chuyên gia cho hay Glôcôm góc đóng nguyên phát gặp nhiều ở người châu Á từ 35 tuổi trở lên, do cấu trúc nhãn cầu nhỏ hơn người châu Âu. Tuổi càng cao, khả năng bị Glôcôm càng lớn; nữ bị nhiều hơn nam, đặc biệt ở tuổi mãn kinh, tỉ lệ bệnh ở nữ cao gấp 4 lần so với nam giới.
Theo các chuyên gia của Bệnh viện Mắt Hitec, người có nhãn cầu nhỏ, viễn thị nặng, giác mạc nhỏ, tiền phòng nông, dễ xúc cảm, hay lo âu là cơ địa thuận lợi để xuất hiện cơn Glôcôm góc đóng. Yếu tố gia đình cũng có vai trò rất quan trọng, trong gia đình đã có người xuất hiện cơn glôcôm cấp thì những người còn lại có nguy cơ mắc cao.
Việc nâng cao nhận thức, khám mắt định kỳ cho những người cùng huyết thống với người đã bị bệnh góp phần chẩn đoán sớm và phòng bệnh Glôcôm hiệu quả.
Khác với Glôcôm góc đóng, Glôcôm góc mở thường gặp hơn ở người da trắng, từ trên 40 tuổi, người bị cận thị, tuổi càng cao nguy cơ bị càng lớn. Những người ruột thịt của bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh gấp 5-6 lần.
Ngoài ra còn có hình thái: Glôcôm giả bong bao, Glôcôm thứ phát do tác dụng phụ của một số loại thuốc, sau chấn thương, viêm màng bồ đào và một số bệnh lý khác kèm theo (Glôcôm tân mạch/bệnh nhân có tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc hoặc Đái tháo đường)…
Bệnh nhân bị Glôcôm có thể có các bệnh phối hợp kể trên, đặc biệt ở những người cao tuổi. Chính vì vậy, dù Glôcôm đã được xác định chẩn đoán và điều trị, kể cả đã phẫu thuật, người bệnh vẫn cần được theo dõi định kỳ.
Glôcôm góc đóng, sau phẫu thuật, bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm túc chế độ kiểm tra mắt, đo nhãn áp 3 tháng/lần trong 1 năm đầu, sau đó cứ 6 tháng – 1năm/lần.
Glôcôm góc mở khởi đầu được điều trị bằng các thuốc tra tại mắt, dù nhãn áp đã điều chỉnh nhưng vẫn cần đi khám và kiểm tra nhãn áp thường xuyên: 2 tháng/lần, kiểm tra thị trường và khám lại đáy mắt: 3-6 tháng/lần để các bác sỹ có thể phải điều chỉnh thuốc hoặc can thiệp laser bổ sung giúp kiểm soát được nhãn áp ở mức an toàn, phù hợp với từng cá thể.
Laser trong điều trị Glôcôm
Tiếp tục các hoạt động của ngày Glôcôm thế giới, tại Câu lạc bộ Glôcôm toàn quốc diễn ra ở Hạ Long vừa qua, các chuyên gia đã đưa ra nhiều tài liệu và những ý kiến thảo luận về chủ đề Laser trong điều trị Glôcôm.
Laser được ứng dụng trong điều trị Glôcôm từ khoảng 30 năm nay. Là kỹ thuật can thiệp ít xâm lấn, an toàn, ít biến chứng; đặc biệt với sự phát triển của khoa học công nghệ, liên tiếp những loại laser mới ra đời có tác động chọn lọc lên tổ chức, giảm thiểu tác dụng không mong muốn, nâng cao hiệu quả kiểm soát nhãn áp mục tiêu và có thể điều trị nhắc lại.
Chính vì vậy, đến nay việc điều trị Glôcôm bằng laser ngày càng được chỉ định rộng rãi, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh. Tuy nhiên, mỗi loại Laser khác nhau có ưu thế khác nhau nên được chỉ định trong những kỹ thuật khác nhau để điều trị cho những hình thái, giai đoạn Glôcôm khác nhau mang tính cá thể hóa. Các kỹ thuật Laser đó có thể là: Laser chu biên mống mắt, Laser tạo hình chân mống mắt trong điều trị Glôcôm góc đóng nguyên phát; Laser tạo hình vùng bè và tạo hình vùng bè chọn lọc trong điều trị Glôcôm góc mở. Ngoài ra còn có Laser quang đông tĩnh mạch và Lase vi xung trong điều trị Glôcôm tân mạch và những hình thái Glôcôm phức tạp khác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0984 122 153