Ba chị em ruột phát hiện cận thị nặng nhờ tầm soát tật khúc xạ tiền học đường

Theo các chuyên gia nhãn khoa, tật khúc xạ bao gồm: cận thị, viễn thị, loạn thị, trong đó cận thị chiếm tới trên 90%, tương đương với khoảng 25% dân số trên thế giới. Ước tính đến năm 2050, trên thế giới cứ 2 người có một người bị cận thị…
Bệnh nhân B.T được đo bản đồ giác mạc và các kỹ thuật chuyên sâu khác góp phần quản lý cận thị tốt nhất
Trẻ hay nheo mắt, nghiêng đầu, ngước mắt: Cha mẹ đừng chủ quan!
Cách đây gần 1 năm (tháng 9/2022), cháu N.N.B.T., sinh năm 2017 được mẹ đưa đến Khoa khúc xạ – Bệnh viện mắt Kỹ thuật cao Hà Nội (HITEC) khám vì thấy con hay nheo mắt, nghiêng đầu, ngước mắt để nhìn.
Trước đó, cháu đã đi khám và được chẩn đoán là cận loạn thị bẩm sinh, nhưng không đeo kính, chỉ điều trị bằng châm cứu, bấm huyệt. Sau mấy tháng “điều trị” nhưng không thấy mắt con cải thiện. “Nay sắp đến tuổi đi học, con nhà người ta đã thuộc mặt chữ mà con mình kêu mờ, không thể nhìn rõ chữ trên bảng. Có lẽ vì vậy nên cháu kém tập trung, không chú ý khi tương tác với cô giáo …” – chị N.T.T., lo lắng tâm sự.
Chia sẻ về trường hợp này, BS Đỗ Minh Đức cho biết: “Mắt của B.T. bị cận loạn bẩm sinh rất nặng. 2 mắt lại lệch độ nhau rất nhiều nên bị nhược thị sâu (chuyên môn gọi là nhược thị do bất đồng khúc xạ): Mắt phải cận 5,5 – loạn 4,5 độ; Mắt trái cận 9,5 – loạn 7,0 độ. Nếu không có kính, trẻ không thể nhìn được gì dù trẻ có hết sức “nỗ lực” và luôn phải “ngước mắt, nghiêng đầu, nheo mắt” đi tìm kiếm vật tiêu. Có nhiều trẻ trong tình trạng giống như B.T, khi mới biết đi còn hay bị “va chạm” và vấp ngã, kiểu như không biết tránh các chướng ngại vật…”.
Đến nay, sau gần 1 năm đeo kính và điều trị, đến khám lại định kỳ 3 tháng 1 lần tại Bệnh viện mắt Kỹ thuật cao Hà Nội (HITEC), mắt của B.T. đã có tiến triển đáng kể: thị lực mỗi mắt đã tăng từ 2-3/10 lên 6-7/10, và đặc biệt khi đeo kính do nhìn rõ hơn, con đã tập trung chú ý nên việc học tập cũng đã thuận lợi hơn. Tuy nhiên, thị lực lập thể của trẻ còn giảm nhiều nên khả năng phân biệt hình nổi rất hạn chế (thị giác hai mắt chưa hoàn thiện).
Vì vậy, các bác sĩ của Bệnh viện mắt Kỹ thuật cao Hà Nội khuyến cáo gia đình bệnh nhi B.T., cần phải kiên trì tuân thủ một liệu trình điều trị đặc biệt, lâu dài để phát triển hoàn thiện và duy trì cân bằng thị giác hai mắt, tránh nhược thị trở lại, đồng thời kiểm soát các biến chứng nguy hiểm có thể gặp đối với mắt cận thị bẩm sinh nặng như: tổn thương thoái hóa võng mạc và hoàng điểm, đục nhân hay glocom tân mạch … “Ngoài B.T ra, 2 con nhỏ (sinh năm 2019, 2021) của chị T. cũng đã phát hiện có dấu hiệu mắc tật khúc xạ nên việc theo dõi kiểm soát cận thị cho các cháu trước tuổi đi học càng được hết sức chú trọng” – BS Đức nhấn mạnh.
Bệnh nhân được siêu âm mắt
Tầm soát tật khúc xạ tiền học đường: việc làm rất cần thiết!
Ở Việt Nam, tại các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn tỷ lệ cận thị ở học sinh cũng tăng đột biến trong những năm gần đây. Theo đó, số học sinh cận thị nặng (từ 5-6 độ trở lên) cũng tăng cao, nguy cơ đe dọa thị lực nghiêm trọng. Ước tính đến năm 2050, trên thế giới cứ 2 người có một người bị cận thị. Vì vậy, các chuyên gia nhãn khoa đang xem “sự bùng nổ” của cận thị như là “một đại dịch” cần được kiểm soát.
Trẻ lớn và người lớn bị tật khúc xạ có thể được phát hiện sớm nhưng ở trẻ nhỏ thường chỉ được phát hiện khi các bé bắt đầu đến trường. Lúc đó mới cho con đi khám và đeo kính thì đã muộn vì cận thị xuất hiện (khởi phát) càng sớm thì mức độ tiến triển càng nhanh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tổn thương chức năng thị giác, đặc biệt là nhược thị. Một số nghiên cứu chỉ ra 15 – 20% trẻ từ 3 – 5 tuổi bị mắc các bệnh về mắt, trong đó tình trạng nhược thị là trầm trọng nhất, ảnh hưởng tới 3% trẻ em trên thế giới. Cha mẹ cần để ý và cho trẻ đi khám mắt ngay khi nhận thấy các dấu hiệu sau:
– Thói quen nhìn gần: ngồi quá gần tivi, cúi sát mắt vào sách vở.
– Hay nheo mắt để nhìn, đặc biệt khi ánh sáng yếu.
– Nghiêng, ngước mắt hoặc có các tư thế khác thường để nhìn.
– Dụi, nháy, chớp mắt nhiều mặc dù trẻ không buồn ngủ
– Sợ sáng, chói, chảy nước mắt, nhìn mờ hoặc nhức/mỏi mắt
– Không hào hứng với những hoạt động nhìn xa như ném bóng, đá cầu, thích thú với các hoạt động nhìn gần như đọc truyện, xem phim, chơi game…
– Giảm tập trung, “ngại học” nên kết quả học tập sút kém
– Lác (lé)…
Để đạt được thời điểm vàng trong phát hiện và điều trị nhược thị (trước 5-8 tuổi), trẻ cần được khám sàng lọc tật khúc xạ ở 3 mốc thời gian quan trọng: 1 tuổi (trước tuổi mầm non), 3 tuổi (trước khi vào mẫu giáo), 5 tuổi (trước khi vào lớp một – tầm soát tật khúc xạ tiền học đường) và định kỳ tái khám 3-6 tháng/1 lần.
Đặc biệt, “đừng bao giờ hài lòng và yên tâm khi thấy con có một mắt nhìn rất tốt, thậm chí là 10/10 trong khi mắt kia nhìn kém. Điều đó thật sự nguy hiểm và cần được khắc phục sớm nhất có thể” – các chuyên gia khuyến cáo!
Cần làm gì để kiểm soát tiến triển cận thị?
Theo các chuyên gia nhãn khoa, kiểm soát tiến triển cận thị được hiểu là áp dụng các biện pháp nhằm ngăn ngừa khởi phát và hạn chế tăng độ cận thị ở trẻ. Các biện pháp đó có thể bằng thuốc hoặc kính.
Trong đó, kính tiếp xúc (kính áp tròng) – là 1 loại thiết bị đặt trực tiếp lên bề mặt nhãn cầu hiện nay đang được dùng khá phổ biến. Có 2 loại: kính tiếp xúc mềm và kính tiếp xúc cứng. Kính tiếp xúc mềm 2 tròng/đa tròng giúp cho người sử dụng có thể nhìn rõ cả khi nhìn xa, nhìn gần và nhìn trung gian. Kính tiếp xúc cứng thấm khí – OrthoK (kính áp tròng đêm): là loại kính đeo vào ban đêm có tác dụng tạm thời làm dẹt trung tâm giác mạc, giúp cho trẻ nhìn rõ vào ban ngày mà không cần đeo kính.
Ngoài ra, tăng cường hoạt động ngoài trời để giảm thời gian nhìn gần có vai trò rất quan trọng trong phòng ngừa khởi phát cận thị. Một số chuyên gia cho rằng, nếu trẻ được ra ngoài 30 phút mỗi ngày sẽ giảm 30% nguy cơ mắc cận thị. Tổng thời gian cần được ra ngoài trời cho trẻ mỗi ngày được khuyến cáo là khoảng 2 giờ, hoặc tối thiểu là 10h/tuần. 
Nguồn Sức Khỏe Đời Sống
——————————-
📞 Hotline: 𝟎𝟗𝟖𝟒 𝟏𝟐𝟐 𝟏𝟓𝟑
𝐇Ệ 𝐓𝐇Ố𝐍𝐆 𝐁Ệ𝐍𝐇 𝐕𝐈Ệ𝐍 𝐌Ắ𝐓 𝐇𝐈𝐓𝐄𝐂 – 𝐇𝐢𝐭𝐞𝐜 𝐄𝐲𝐞 𝐇𝐨𝐬𝐩𝐢𝐭𝐚𝐥
🏥 Cơ sở 1: Bệnh viện mắt kỹ thuật cao Hà Nội: 51-53-55 Trần Nhân Tông, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội
🏥 Cơ sở 2: Bệnh viện chuyên khoa mắt HITEC: 55 Hàm Long, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội
🏥 Cơ sở 3: Phòng khám mắt kỹ thuật cao: 480 Thụy Khuê, Phường Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội
🏥 Cơ sở 4: Trung tâm mắt kỹ thuật cao Sài Gòn: 28 Đống Đa, Phường 2, Q. Tân Bình, HCM
𝘏𝘐𝘛𝘌𝘊 – 𝘛𝘢̣̂𝘯 𝘵𝘢̂𝘮 𝘤𝘩𝘰 đ𝘰̂𝘪 𝘮𝘢̆́𝘵 𝘴𝘢́𝘯𝘨

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0984 122 153