Chẩn đoán và điều trị bệnh viêm kết mạc có giả mạc

Bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ) có giả mạc bản chất là viêm kết mạc nặng. Nguyên nhân thường do virus, vi khuẩn hoặc lậu cầu. Bệnh có thể xuất hiện vào tất cả các thời điểm trong năm, nhưng thường có những đợt bùng phát thành dịch, nhất là vào những thời điểm giao mùa. Vậy viêm kết mạc giả mạc là gì? Dấu hiệu bệnh ra sao? Điều trị bệnh như thế nào? Cùng tham khảo những chia sẻ trong bài viết dưới đây để rõ hơn.

1.Viêm kết mạc là gì?

Viêm kết mạc là tình trạng viêm lớp mô mỏng trong suốt nằm trên phần tròng trắng của mắt và lót bên trong mí mắt (kết mạc). Khi các mạch máu nhỏ trong kết mạc sưng lên và bị kích thích sẽ khiến cho tròng trắng mắt có màu đỏ hoặc hồng.

Bình thường, đau mắt đỏ khởi phát từ 3-7 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, sau 7-10 ngày sẽ khỏi. Khi bị bệnh viêm kết mạc, mắt của bệnh nhân sẽ bị xung huyết kết mạc (đỏ mắt), kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều ghèn gỉ (có thể gỉ trắng, tiết tố dính nếu bệnh do virus, hoặc có thể gỉ xanh, vàng nếu do bội nhiễm vi khuẩn).

Hiện nay, bệnh viêm giác mạc lây lan nhanh trong cộng đồng chủ yếu là do nhiễm adenovirus. Viêm giác mạc thường có 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Trong 7 ngày sau khi bệnh khởi phát: trên giác mạc xuất hiện những chấm viêm biểu mô tỏa lan, thường khỏi sau khoảng 2 tuần;
  • Giai đoạn 2: Sau khi bệnh khởi phát 1 tuần, biểu hiện bởi viêm giác mạc đốm tạm thời;
  • Giai đoạn 3: Xuất hiện các ổ thẩm lậu giác mạc dạng đốm dưới biểu mô. Nếu không được điều trị, các ổ viêm này sẽ tồn tại lâu dài và sau gây giảm thị lực.
Viêm kết mạc sưng nề cương tụ

2. Viêm kết mạc có giả mạc hiểu như nào cho đúng?

Viêm kết mạc có giả mạc là tình trạng mặt trên của kết mạc có màng. Trong y khoa chia làm 2 loại là màng giả và màng thật. Màng thật chính là biểu mô của kết mạc bị hoại tử, nó phù lên như một cái màng nhưng lại không thể bóc nó ra được.

Màng giả hay còn gọi là giả mạc, thường do kết mạc bị viêm quá mức dẫn đến tăng thấm thành mạch, làm các protein phân tử lượng cao thoát ra khỏi mạch máu (đặc biệt là fibrinogen), tạo ra màng xuất tiết mà thành phần chủ yếu là fibrin phủ lên mặt trên của kết mạc. Giả mạc là biểu hiện của phản ứng viêm rất nặng.

Tình trạng giả mạc gặp trong nhiều bệnh về mắt chứ không riêng các bệnh viêm kết mạc do virus, vi khuẩn như bỏng mắt, hội chứng Stevens Johnson (dị ứng thuốc)…

3. Các nguyên nhân gây bệnh viêm kết mạc có giả mạc bao gồm:

  • Do virus: Là nguyên nhân hay gặp nhất, trong đó khoảng 80% là Adenovirus. Bệnh dễ lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với nước mắt bệnh nhân.
  • Do vi khuẩn: Bao gồm các loại vi khuẩn như tụ cầu, Hemophilus influenza,… bệnh lây qua tiếp xúc dịch tiết hay vận dụng có dính dịch tiết chạm vào mắt. Có thể gây tổn thương nặng khi không được điều trị.
Viêm kết mạc có giả mạc

4. Dấu hiệu nhận biết viêm kết mạc có giả mạc

  • Mắt đỏ nhiều, kèm theo ghèn mắt, buổi sáng ngủ dậy hai mắt khó mở do gỉ dính chặt
  • Cộm trong mắt
  • Bệnh nhân bị viêm kết mạc có giả mạc thường đỏ một mắt trước, sau đó lan qua mắt thứ hai.

Người bị viêm kết mạc có giả mạc thường kèm ho sốt, viêm đường hô hấp trên. Kết mạc đỏ ngầu, mắt ra gỉ nhiều, đôi khi ứa nước hồng như máu làm các bậc cha mẹ rất hoảng sợ. Khi lật mi lên thấy có một lớp màng trắng bao phủ, đây chính là giả mạc.

5. Biến chứng ở viêm kết mạc có giả mạc

Viêm kết mạc có giả mạc khiến mắt của người bệnh sưng rất nặng và kéo dài do giả mạc bít vào mặt sau mắt làm cho thuốc tra không ngấm vào được, làm cho việc điều trị trở nên khó khăn và tốn kém. Trong khoảng thời gian mắc bệnh, đời sống, công việc bị ảnh hưởng rất nhiều do sức khỏe của mắt bị suy giảm.

Bệnh sẽ diễn biến phức tạp hơn nếu giả mạc không được bóc đi, khi giả mạc bị xơ hóa, co rút lại làm cho bề mặt kết mạc mi dúm dó, gây cạn cùng đồ làm mắt khó liếc nhìn về các phía. Do vậy cần có sự can thiệp của bác sĩ giúp bóc lớp màng giả mạc. Sau khi lớp giả mạc được bóc ra, thuốc nhỏ mắt sẽ phát huy tác dụng tốt hơn khiến bệnh nhanh khỏi hơn.

Viêm kết mạc có giả mạc nếu không được điều trị đúng cách, để bệnh kéo dài có thể gây biến chứng loét giác mạc dễ để lại sẹo gây giảm thị thực vì sẹo giác mạc cản trở ánh sáng, làm cho ánh sáng không cảm thụ được trên võng mạc nên mắt không thấy rõ. Do đó, người bệnh tuyệt đối không được chủ quan, khi có dấu hiệu mắc bệnh cần chủ động đến các cơ sở y tế chuyên khoa thăm khám sớm, điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Viêm loét giác mạc doạ thủng, trung tâm mắt 7mm đã hoại tử

6. Điều trị viêm kết mạc có giả mạc

Khi bị viêm kết mạc có giả mạc, những biểu hiện ở mắt cùng cảm giác khó chịu do bệnh gây ra khiến không ít người bệnh mệt mỏi, cảm thấy lo lắng. Lớp màng giả như một tấm khiên chắn không cho thuốc tiếp xúc với kết mạc, đồng thời nó lại là nơi để vi khuẩn phát triển, dễ dẫn đến nhiễm trùng. Tuy nhiên vì là màng giả nên có thể bóc ra khỏi kết mạc tương đối dễ dàng. Vì vậy, việc điều trị viêm kết mạc có giả mạc cần phải bóc màng này khỏi kết mạc, phối hợp dùng thuốc kháng sinh, chống viêm để dự phòng nhiễm trùng, giảm tính thấm của thành mạch máu .

Các hướng dẫn trên thế giới hiện nay cũng đều khuyến cáo nên bóc giả mạc để thuốc tra vào mắt ngấm tốt hơn và giảm tình trạng viêm xuất tiết. Trong một số bệnh lý viêm khác, giả mạc có thể làm dính kết mạc ở các vị trí khác nhau, ví dụ như bỏng, hội chứng Stevens Johnson mà không vệ sinh, bóc màng giả mạc trong giai đoạn cấp sẽ làm dính kết mạc mi vào kết mạc nhãn cầu gọi là dính mi cầu. Khi đó thì rất khó để chữa trị.

Khi bị viêm kết mạc có giả mạc, mắt bệnh nhân sưng rất nặng và kéo dài do giả mạc bít vào mặt sau mắt làm cho thuốc tra không ngấm vào được. Bệnh sẽ diễn biến phức tạp hơn nếu giả mạc không được bóc đi, do vậy cần có sự can thiệp của bác sĩ giúp bóc lớp màng giả mạc. Sau khi lớp giả mạc được bóc ra, thuốc nhỏ mắt sẽ phát huy tác dụng tốt hơn khiến bệnh nhanh khỏi hơn.

Khi lấy giả mạc có thể gây chảy máu. Mắt bệnh nhân sau đó vẫn có thể sưng và thậm chí còn… sưng to hơn. Nhưng mọi người không nên lo lắng về điều này. Bệnh nhân sau khi bóc giả mạc cần tiếp tục dùng thuốc theo chỉ dẫn, mắt sẽ đỡ dần.

Những trường hợp phải bóc giả mạc, thường sau 10 ngày bệnh mới có xu hướng lui và khỏi, vì thế không nên quá sốt ruột. Bệnh nhân viêm kết mạc do virus có giả mạc sau khi bóc phải khám lại sau 2 – 3 ngày để xem mức độ tái lập và các biến chứng trên giác mạc nếu có. Tuỳ mức độ viêm mà giả mạc sẽ tái lập lại, thông thường mắt viêm kết mạc do virus có giả mạc phải bóc 2 – 3 lần (sau mỗi 2 – 3 ngày) mới ổn định.

Bác sỹ cần nhỏ thuốc tê sau đó bóc giả mạc. Giả mạc nên được lấy ra để rút ngắn thời gian điều trị, giúp mắt mau lành hơn.

Trong khi tiến hành bóc giả mạc có thể chảy máu nhẹ khi lột, cảm giác khó chịu hay cộm xốn trong vài ngày. Bệnh nhân được cho nhỏ thuốc kháng sinh và kháng viêm cho đến khi bề mặt mắt lành hoàn toàn.

Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc không đúng chỉ định vì như vậy sẽ rất nguy hiểm. Đã có không ít trường hợp chỉ vì dùng thuốc không đúng mà mắt sau đó bị biến chứng thành viêm loét giác mạc, thị lực ảnh hưởng nặng nề.Hiện nay, chưa có thuốc kháng Adenovirus đặc hiệu, vì vậy ngoài việc bóc giả mạc bệnh nhân sẽ được điều trị bằng kháng sinh tra tại mắt để dự phòng bội nhiễm vi khuẩn và thuốc chống viêm tra tại mắt để giảm phản ứng viêm. Thông thường không cần thuốc kháng sinh, chống viêm đường toàn thân (tiêm, uống)

Hình thành giả mạc ở kết mạc sụn mi

7. Phòng ngừa viêm kết mạc nói chung và viêm kết mạc có giả mạc nói riêng

  • Do mầm bệnh có khả năng sống ở môi trường vài ngày nên cần cách ly người bị mắc bệnh. Người bệnh có thể là nguồn lây tiếp tục sau khi khỏi bệnh một tuần.
  • Che miệng và mũi khi hắt hơi, không dụi mắt.
  • Tránh chạm vào vùng mắt và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt là sau khi sử dụng các loại thuốc để nhỏ mắt.
  • Không dùng chung khăn tắm hoặc khăn tay, vứt bỏ khăn giấy sau mỗi lần sử dụng. Trẻ nhỏ cần được vệ sinh tắm rửa bằng chậu riêng, khăn riêng. Lưu ý khăn mặt, khăn tắm cần giặt sạch bằng xà phòng, đem phơi nắng để tiêu diệt vi khuẩn, virus gây bệnh.
  • Súc miệng hàng ngày bằng nước muối hoặc các nước súc miệng khác. Nhỏ nước muối 0,9% vào mắt hàng ngày.
  • Khử trùng các bề mặt như bàn ăn, bồn tắm, bồn rửa mặt và tay nắm cửa để ngăn ngừa sự lây lan của căn bệnh này.
  • Không tự ý mua thuốc nhỏ mắt hoặc dùng thuốc của người khác để nhỏ mắt khi bị bệnh. Không tự đắp lá dâu, lá trầu,… vào mắt vì có thể gây nhiễm trùng nặng thêm.
  • Không nên đeo kính áp tròng cho đến khi bệnh viêm kết mạc đã được chữa khỏi. Việc trang điểm mắt và sử dụng các loại kem mỹ phẩm cũng nên tránh vùng mắt cho đến khi các triệu chứng của đau mắt đỏ không còn.
  • Khi có triệu chứng bất thường ở mắt như cộm, ra nhiều ghèn, đỏ mắt… cần đi khám ngay. Sử dụng thuốc theo đúng đơn của bác sĩ, không dùng chung thuốc với người khác, tránh lây nhiễm chéo.
  • Ăn uống đủ chất, uống đủ nước, tăng cường bổ sung dinh dưỡng như các vitamin C, vitamin A từ rau quả.
  • Nên mang kính bảo vệ mắt khi ra ngoài đường, đặc biệt là những nơi ô nhiễm khói bụi.

Như vậy, trên đây là những chia sẻ về bệnh đau mắt đỏ, đặc biệt viêm kết mạc có giả mạc mà chúng tôi muốn gửi đến bạn. Hy vọng thông qua bài viết, bạn đọc đã có thêm những thông tin thực sự hữu ích. Nếu bạn đang có một trong các dấu hiệu bất thường về mắt liên hệ với Hệ thống Bệnh viện Mắt Hitec qua Hotline 0984 122 153 để được thăm khám và điều trị kịp thời nhé!

——————————————————————————————-

📞 Hotline: 𝟎𝟗𝟖𝟒 𝟏𝟐𝟐 𝟏𝟓𝟑
𝐇Ệ 𝐓𝐇Ố𝐍𝐆 𝐁Ệ𝐍𝐇 𝐕𝐈Ệ𝐍 𝐌Ắ𝐓 𝐇𝐈𝐓𝐄𝐂 – 𝐇𝐢𝐭𝐞𝐜 𝐄𝐲𝐞 𝐇𝐨𝐬𝐩𝐢𝐭𝐚𝐥
🏥 Cơ sở 1: Bệnh viện mắt kỹ thuật cao Hà Nội: 51-53-55 Trần Nhân Tông, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội
🏥 Cơ sở 2: Bệnh viện chuyên khoa mắt HITEC: 55 Hàm Long, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội
🏥 Cơ sở 3: Phòng khám mắt kỹ thuật cao: 480 Thụy Khuê, Phường Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội
🏥 Cơ sở 4: Trung tâm mắt kỹ thuật cao Sài Gòn: 28 Đống Đa, Phường 2, Q. Tân Bình, HCM
𝘏𝘐𝘛𝘌𝘊 – 𝘛𝘢̣̂𝘯 𝘵𝘢̂𝘮 𝘤𝘩𝘰 đ𝘰̂𝘪 𝘮𝘢̆́𝘵 𝘴𝘢́𝘯𝘨

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0984 122 153